Đây là thông tin được Ts. Đặng Đức Anh, Ban phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế xã hội quốc gia cho biết tại hội thảo Dự báo Kinh tế xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sáng 2/12.
TS. Đặng Đức Anh đã đưa ra 3 kịch bản của nền kinh tế Việt Nam trong đó nhấn mạnh kịch bản trung bình nhiều khả năng xảy ra nhất.
Kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng xảy ra nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển như mô hình kinh tế cũ
Cụ thể, giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình 4%. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả và giữ vai trò điều tiết nền kinh tế. Điều hành chính sách có cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện.
Tốc độ tăng đầu tư trung bình giai đoạn tăng 7%. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và nhập siêu.
Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ tương đối linh hoạt. các hiệp ước quốc tế có hiệu lực giúp đầu tư và xuất khẩu Việt Nam cải thiện hơn.
"Khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,67% trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp 5%", ông Đức Anh cho biết.
Thứ hai, kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình nhưng tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn.
Những nguy cơ đe doạ nền kinh tế như nợ công hay rủi ro hệ thống tài chính cụ thể là nợ xấu được giải quyết triệt để và có những thành tích bước đầu.
"Khi đó, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn tương ứng tăng trưởng kinh tế và lạm phát trung bình giai đoạn là 7,04% và 6,1% mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững tạo tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo", TS. Đặng Đức Anh nói.
Thứ ba, kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng xảy ra nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển như mô hình kinh tế cũ, những rủi ro về hệ thống tài chính và nợ công ngày một lớn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dựa vào tăng quy mô vốn và không khống chế được nhập siêu.
"Nếu gặp thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải những biến cố khó lường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6%, lạm phát có thể tăng cao trở lại ở mức trên 7% tuỳ vào mức độ rủ ro và hiệu lực điều hành tình huống của các chính sách", vị trưởng ban Ban phân tích và dự báo kết luận.
Bên cạnh đó, theo Ts. Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển (ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, để “tránh xa kịch bản thấp”, yêu cầu sống còn là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Vì vậy, Ts.Việt khuyến nghị, có 3 thách thức lớn cần phải vượt qua, đó là phải thay đổi mục tiêu tăng trưởng cao, chấp nhận tăng trưởng bền vững; thay đổi đối tượng hưởng lợi (hiện nay đang là những người liên quan đến phân bổ nguồn lực gắn với thể chế đang hiện hữu) và thay đổi ưu đãi trong đầu tư (lĩnh vực công nghiệp đang được hưởng nhiều ưu đãi sẽ không được nhận thêm ưu đãi nữa).
Lê Thúy