Theo Bộ Công Thương, Đại sứ quán Mỹ đã xác nhận việc không đặt ra rào cản nào với hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường này; Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định việc EU phong tỏa biên giới trước mắt không ảnh hưởng đến luồng hàng hóa của Việt Nam, song thực tế vẫn xuất hiện nhiều diễn biến đáng lo. Những ngày vừa qua, các doanh nghiệp trong nước liên tục nhận được đề nghị giãn, lùi tiến độ giao hàng từ các đối tác Mỹ và EU.
"Chóng mặt" với biến động thị trường
Trước bất lợi từ các thị trường trên, Bộ Công Thương mới đây đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 với mục đích nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Internet) |
Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của dệt may chỉ tăng 6%, trong khi cùng kỳ các năm khác đều ở mức 2 con số. Không chỉ dệt may, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông thủy sản, đồ gỗ, chế biến và chế tạo... cũng đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ lớn.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, hoạt động giao thương với Trung Quốc đã bắt đầu khôi phục. Tuy nhiên, một số thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ lại đang gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp Mỹ, EU đã thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng từ 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, tốc độ luân chuyển hàng hóa từ các khâu vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ... sẽ bị gián đoạn khi các nước đóng cửa biên giới, làm chậm trễ dòng chảy kinh tế, dịch vụ. Các hàng hóa nhập khẩu vào EU bằng đường hàng không chắc chắn ảnh hưởng nặng nề nhất vì các chuyến bay bị hoãn, cắt giảm. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 60% bằng đường biển, 39% bằng đường hàng không.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, việc một số khách hàng Âu, Mỹ giãn tiến độ giao hàng có thể được coi là một trong ba phát sinh mới thị trường ở "pha hai" của dịch Covid-19 bên cạnh hai phát sinh khác là biến động về nhân lực và các diễn biến mới ở cửa khẩu với Lào, Campuchia.
Hiện tại, trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cả Việt Nam, Lào và Campuchia đã bắt đầu áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn tại cửa khẩu biên giới đất liền, hạn chế, thậm chí ngừng hẳn việc cho phép công dân qua lại biên giới (như Campuchia). Từ đây, đã bắt đầu phát sinh hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu tại các tỉnh giáp biên giới với Lào và Campuchia.
Dành ưu tiên để phát triển thị trường
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thị trường Trung Quốc mới chỉ ách tắc thông quan tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nếu các thị trường trọng điểm, trong đó có Mỹ và EU rơi vào tình trạng tương tự thì tác động đến kinh tế và thương mại của Việt Nam là rất lớn.
Người đứng đầu ngành công thương yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương có đánh giá và xây dựng kế hoạch ứng phó với các diễn biến mới của thị trường đang và sẽ có khả năng diễn biến phức tạp về dịch bệnh, đặc biệt là các thị trường là bạn hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Mỹ và một số thị trường khu vực châu Á.
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu khẳng định sẽ làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp dệt may, da giày để tìm hiểu thực tế khó khăn. Với các doanh nghiệp đã đưa hàng ra cảng rồi nhưng chưa xuất được, phải chịu chi phí lưu bãi, Cục Xuất Nhập khẩu sẽ có văn bản đề xuất Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp.
Đồng thời, Cục Xuất Nhập khẩu cũng sẽ rà soát các thị trường trọng điểm, nhất là các thị trường chưa chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, để mở rộng thị trường mới cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai xuất khẩu trở lại sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi việc kiểm soát dịch bệnh đang dần khả quan hơn.
Đồng quan điểm, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết sẽ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu tại các thị trường mới hồi phục (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và thị trường ASEAN. Đồng tình với đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ nghiên cứu, đánh giá kỹ về các thị trường này, cần tái cơ cấu khâu chế biến và phát huy mối quan hệ với các nước láng giềng…
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, EU và Mỹ là 2 thị trường quan trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong chuỗi cung ứng, vì vậy, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần theo dõi sát diễn biến tình hình của các quốc gia này, đề xuất các giải pháp và đối sách cụ thể trong thời gian tới để ưu tiên triển khai khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thống nhất cơ chế chính sách, tạo thuận lợi hỗ trợ thị trường.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên hoàn thiện sớm bộ hồ sơ để Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam nhanh chóng bứt phá những tháng cuối năm 2020.
Cùng với đó, Bộ trưởng Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước đôn đốc kiểm tra tại các địa phương, đảm bảo sự chủ động của Bộ Công Thương cung ứng đầy đủ hàng hóa, tại bất kỳ địa phương nào, ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ diễn biến nào. Các Vụ thị trường nước ngoài nghiên cứu, đánh giá thị trường trong năm 2020 để có thông tin cập nhật bổ sung kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao các Thứ trưởng tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước đánh giá tác động khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩn: dệt may, da giày, gỗ, điện tử, ô tô… xác định khó khăn thị trường, tài chính tín dụng… để có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại điện tử; Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ thị trường nước ngoài đánh giá cơ chế và biện pháp khắc phục để phát triển thị trường và chuỗi cung ứng (điện tử, đồ gỗ, chế biến nông sản, thủy sản, chế biến, chế tạo…); Cục Phòng vệ thương mại nghiên cứu tồn kho hàng hoá của các nước để có biện pháp phòng vệ và phổ biến tới doanh nghiệp trong nước.
"Diễn biến mới nhất của tình hình dịch bệnh cho thấy có nhiều điểm lo ngại, trước hết về quan hệ thương mại quốc tế. Tuy nhiên, bất luận trong trường hợp nào cũng phải dành ưu tiên cao trong phát triển thị trường, đóng góp cho sự tăng trưởng của GDP", Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Lê Thúy