Dựa trên những phân tích của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (một cơ quan thuộc Bộ Công Thương) và kết hợp tính toán của phần mềm dự báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm vừa có dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 sẽ tăng khoảng 0,26% so với tháng trước.
Giá các mặt hàng tiêu dùng ổn định
Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong tháng 5/2016, một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá như: Kỳ nghỉ lễ kéo dài cũng tác động làm tăng giá các mặt hàng dịch vụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng. Trong khi việc tăng tiền lương tối thiểu cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/5 cũng góp phần tạo hiệu ứng tăng giá một số mặt hàng có sử dụng nhân công trực tiếp.
Đặc biệt, theo quan sát trên thị trường, trong tháng 4 và 5, giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến chỉ số giá nhóm giao thông bật tăng trở lại ở mức 1,73% sau 8 tháng giảm giá liên tiếp trước đó. Đặc biệt, trong tháng 5, giá xăng tăng hai lần sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 và những tháng tới.
Nhận định về thị trường, ông Lâm cho biết, hai năm trở lại đây sức mua đã không tăng cao như những năm trước, điều đó cũng được phản ánh một phần qua chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong thời gian qua.
Tính đến hết 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,82% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2015. Nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng là 7,5%, thấp hơn mức 8,3% của 4 tháng năm 2015 thì nhìn chung sức mua vẫn tăng nhưng tốc độ sẽ không cao như năm 2015.
Về bán lẻ hàng hóa, trong điều kiện giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, nguồn cung khá dồi dào trong khi nhu cầu của người dân ổn định và chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nhằm cân đối với khả năng thu nhập, dự kiến sức mua trong năm nay sẽ không tăng mạnh và tốc độ tăng có xu hướng thấp dần so với trước đây.
Về dịch vụ xã hội, trong những tháng cuối năm 2016, dự báo chi tiêu của người dân cho một số dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí và một số dịch vụ tiêu dùng khác vẫn tăng so với năm 2015, nhưng tốc độ tăng sẽ không cao hơn mức của năm 2015 so với năm 2014.
Tính đến hết 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,82% so với cùng kỳ năm ngoái
Mục tiêu kìm giữ lạm phát vẫn đạt
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, cho rằng lạm phát năm nay sẽ thấp bởi mức tăng trong những tháng vừa qua của chỉ số CPI chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do đó, nếu trừ đi mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp.
Dù CPI tháng Tư tăng lên 0,33% so với tháng trước và tăng 1,89% so với cùng tháng năm trước. Dự kiến CPI tháng 5 và những tháng tiếp theo vẫn tăng. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% trong năm nay do tác động lớn từ phía chỉ số giá nhóm giao thông từ tháng 4 đã tăng mạnh và khả năng vẫn tiếp tục tăng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, từ nay đến cuối năm 2016, có thể có một số yếu tố sau tác động đến CPI. Cụ thể là giá dịch vụ y tế, thực hiện Thông tư liên tịch số 37/TTLT- BYT-BTC, còn một đợt điều chỉnh giá vào tháng Bảy có thể làm tăng CPI chung khoảng 2-3%.
Tiếp đến là giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh vào tháng 9/2016, mức độ tăng chỉ số CPI phụ thuộc vào số lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh, có thể tác động đến CPI chung khoảng 1-3%.
Bên cạnh đó, còn các mặt hàng tiềm ẩn tăng giá trở lại như gạo, sắt thép, xăng dầu. Nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng sẽ gây áp lực tăng lãi suất dẫn tới tăng giá hàng hóa và dịch vụ.
Ông Lâm dự báo: “Với các yếu tố trên cùng tác động, dự báo chỉ số CPI năm nay sẽ có mức tăng khá cao, nhiều khả năng vượt mức 5%. Tuy nhiên, chỉ số CPI bình quân cả năm so với năm 2015 sẽ được kiểm soát ở mức 5%”.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, khuyến nghị: “Hiện nay, niềm tin đang có dấu hiệu được cải thiện nhưng lạm phát tăng lên có thể làm mất niềm tin. Xét ở góc độ kỹ thuật, lạm phát từ 4-5% chưa phải là cao, nhưng quan trọng là người ta nhìn xu hướng. Năm trước là 0-1%, năm nay là 4-5% thì năm sau có là 10% không? Mà nếu năm 2017 là 10% thì chả ai dám làm gì cả, chả ai dám vay gì cả, tất cả dừng lại. Vì thế, sẽ gây nên sự xáo trộn”.
Thanh Hoa