Thông tin mới nhất từ Brand Finance (tổ chức tư vấn định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh) dành cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho hay.
Trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).
Đây là Chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước.
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2019 đạt 247 tỷ USD (Ảnh minh họa: Internet) |
Cùng với sự phát triển của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên 9,3 tỷ USD, trong đó trên 50% doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…
Theo đó, số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng dần qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2018 đã tăng hơn gấp 3 lần, lên tới 97 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng 97 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 còn khiêm tốn trong tổng số trên 700.000 doanh nghiệp trên cả nước hiện nay.
Công Trí