Ngày 22/2/2022, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ dù giảm 0,13% nhưng vẫn “neo” ở mức 92,67 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam) ngày 22/2. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,22% lên 94,87 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/2), chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Bent tăng 2,91% lên 96,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 3,06% lên 93,86 USD.
Nếu giá dầu thế giới vượt mốc 100 USD/thùng sẽ ảnh hưởng lớn tới chính sách tiền tệ nới lỏng mà Chính phủ và NHNN đang theo đuổi. Lạm phát được dự báo có thể lên tới 5,1%. |
Nhiều ý kiến cho rằng, việc gia tăng bất ổn giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine. Đặc biệt việc ông Putin công nhận độc lập của vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine, yêu cầu quân đội Nga điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến đây sẽ như “đổ thêm dầu vào lửa”, làm gia tăng thêm lo ngại về nguồn cung - yếu tố có thể “đẩy” giá dầu thô thế giới có thể tiến gần mốc 100 USD/thùng.
Ở trong nước, hôm qua (21/2) giá xăng đã tăng lên gần 26 nghìn đồng/lít, Đây là lần tăng giá xăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022. Ở kỳ điều hành trước, chiều ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng từ 666 - 976 đồng/lít/kg.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Trước kỳ điều hành xăng dầu ngày 21/2, thị trường xăng dầu trong nước vẫn khá khan hiếm về nguồn cung.
Dự báo về giá dầu thế giới năm 2022, ở góc độ những người nghiên cứu, ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia cao cấp của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho rằng, giá năng lượng năm 2022 sẽ ở mức rất cao nhưng liệu thế giới có lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng hay không thì vẫn còn quá sớm để có câu trả lời chính xác.
Theo đánh giá của VPI, giá dầu năm 2022 có thể chạm ngưỡng ba con số, tức là sẽ có thời điểm giá dầu sẽ vượt mức 100 USD/thùng, nhất là trong giai đoạn của quý I và đầu quý II khi mà tình hình dịch bệnh được cải thiện cũng như là khi dự trữ dầu thô tại các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, EU có thể sụt giảm nhanh. Hiện lượng dầu thô dự trữ của Mỹ chỉ hơn 500 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng dự báo, nếu giá dầu duy trì ở vùng giá 80 USD/ thùng, lạm phát của Việt Nam có thể tăng tới 4,5% . Nếu nguy cơ Mỹ ban lệnh trừng phạt thành hiện thực thì giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng.
“Hiện tượng này cũng sẽ khiến lạm phát tăng từ mức 4,5% lên 5,1%”, Chứng khoán BIDV nhận định.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng chi phí lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt, cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu, đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.
“Đối với nền kinh tế nước ta, giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5% và làm chỉ số CPI tăng 0,36%”, ông Lâm nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đưa quan điểm, giá xăng dầu tăng mạnh thời gian vừa qua chắc chắn có tác động đến CPI của tháng 2 và cả năm, bởi xăng dầu là mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể, đà tăng cao của giá xăng dầu sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng khác, từ đó có thể làm giảm nhu cầu với hàng hóa, tác động đến sức cầu của nền kinh tế và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Theo các chuyên gia, giá xăng dầu tăng cao quá chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2022, sẽ có tăng nhưng tốc độ tăng không quá cao như năm 2021 nên cũng không nên quá lo ngại về sự ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu tới tăng trưởng, hồi phục kinh tế.
Ở góc độ là cơ quan thống kê, bà Nguyễn Thu Oanh - vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - tin tưởng sẽ kiểm soát được lạm phát năm nay dưới 4%. Bà Oanh phân tích, chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) tháng 1/2022 tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy áp lực lạm phát cả năm rất lớn. Ngay trong những tháng đầu năm, giá cả hàng hóa tại nhiều nước trên thế giới tăng cao, tác động tới giá cả hàng hóa trong nước.
“Với kinh nghiệm điều hành lạm phát thành công trong nhiều năm qua của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, tôi tin chúng ta sẽ kiểm soát được CPI năm 2022 khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra”, bà Oanh nói.
Trà My