Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. |
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 5 - 6%…
Theo đó, Nghị quyết yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục”.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề phát sinh mới…
Về giải pháp, Nghị quyết đặt ra cần tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế; Tiếp tục phòng chống dịch bệnh; Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả, hiệu lực tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Trước đó, năm 2022, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp so với dự báo; khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế ngày càng tăng, tạo sức ép rất lớn lên quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động lớn đến phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 3,15%; tăng trưởng GDP ước đạt 8,02%, quy mô GDP ước đạt khoảng 409 tỷ USD…
Thy Lê