Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 với 24,7% thị phần. Tuy nhiên, lượng gạo xuất sang Trung Quốc trong 7 tháng chỉ đạt 927 nghìn tấn với kim ngạch 491 triệu USD, giảm 32,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Ngày càng khó khăn
Riêng tháng 7, XK gạo nếp tiếp tục giảm mạnh, chỉ đạt kim ngạch 9,8 triệu USD (giảm 50% so với tháng 6) do tác động của chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Đồng thời, XK các loại gạo trắng 15% tấm và 25% tấm sang Trung Quốc cũng giảm do nhu cầu nhập khẩu giảm.
Theo các doanh nghiệp (DN) XK gạo, một trong những nguyên nhân khiến XK gạo sang thị trường Trung Quốc sụt giảm là do nước này thay đổi chính sách kiểm soát DN nhập khẩu gạo, khiến số lượng DN Việt Nam giảm từ 150 xuống 22. Đến đầu năm 2018, 3 trong 22 DN này lại bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật. Như vậy, trong năm 2018 chỉ còn 19 DN Việt Nam được XK gạo vào Trung Quốc.
Mới đây, trong chuyến gặp gỡ các DN gạo Việt Nam, phía Trung Quốc một lần nữa khẳng định họ hướng đến sản phẩm gạo chất lượng cao, không có dư lượng kháng sinh.
Do vậy, ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, đánh giá thị trường Trung Quốc rất tiềm năng nhưng hoạt động XK gạo sang đây trong năm nay sẽ khó khăn, khó duy trì được đà tăng trưởng như năm trước. Nguyên nhân là do sự điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu gạo được áp dụng từ 1/7 và sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn gạo XK của các quốc gia khác.
Thời gian gần đây, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar. Những quốc gia này đang đẩy mạnh XK gạo sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Đến nay, đã có 19 DN Ấn Độ chính thức được chấp thuận XK gạo sang Trung Quốc, và Thái Lan đã ký thỏa thuận cung cấp 10.000 tấn gạo cao cấp sang thị trường này thông qua kênh thương mại điện tử.
Đồng thời, Myanmar cũng đẩy mạnh XK gạo qua thị trường Trung Quốc. Cụ thể, trong tháng 4 và 5, nước này đã XK khoảng 2 triệu tấn gạo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Myanmar cũng đang xúc tiến bán thêm 1 triệu tấn gạo bằng đường chính ngạch qua hợp tác với chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
So với các đối thủ cạnh tranh, một trong những điểm bất lợi của gạo Việt tại thị trường Trung Quốc là chưa xây dựng được thương hiệu và chủ yếu XK qua con đường tiểu ngạch.
Chính vì vậy, thời gian qua, tại các hệ thống siêu thị lớn của Trung Quốc như Carrefour, Walmart đều vắng bóng gạo Việt, thay vào đó là gạo nhập khẩu của Thái Lan, Campuchia.
Trong khi đó, nhiều tiểu thương buôn gạo tại các chợ đầu mối ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng nói rằng không biết nhiều tới thương hiệu gạo Việt Nam.
![]() |
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm 32,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị |
Nâng chất, làm thương hiệu
Gs.Ts. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết tại Thái Lan, thay vì dùng nhiều giống khác nhau, DN chỉ sản xuất một giống, nhà sản xuất nào muốn mua để kinh doanh buộc phải sử dụng giống đó.
Cụ thể, bất kỳ công ty nào mua lúa Homali (gạo thơm nhất của Thái Lan) về xay xát, đóng gói đều phải gắn logo của giống lúa đó. Trường hợp nhiều công ty lấy chung một giống lúa để XK cũng phải thực hiện các bước tương tự.
Hiện nay, Việt Nam đã có một số loại gạo như gạo Một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu), Nàng Nhen thơm Bảy Núi (An Giang), gạo Nàng thơm Chợ Đào (Long An)… Tuy nhiên, nghịch lý là các giống này chưa được thế giới biết vì thiếu thương hiệu. Thương hiệu mờ nhạt, không gắn với chỉ dẫn địa lý là nguyên nhân khiến gạo Việt khó đứng vững ở thị trường nước ngoài nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, thị trường yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn, theo Gs.Ts. Võ Tòng Xuân, để khẳng định vị thế gạo Việt Nam, trước mắt cần chọn ra một giống lúa tốt để sản xuất trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Về lâu dài phải hướng đến sản xuất sạch bằng cách sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, không thâm canh tăng vụ… Qua đó, tăng cường nâng cao chất lượng gạo Việt hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bền vững.
Thị trường XK không đón nhận những sản phẩm tạp nham trộn lẫn rồi XK với giá rẻ. Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu truyền thống hướng đến sự tự túc lương thực và đang đưa ra nhiều rào cản thương mại gây khó khăn cho sản phẩm gạo Việt Nam khi XK. Do đó, đã đến lúc các DN cần liên kết với nhau để cùng xây dựng vùng nguyên liệu gạo ngon, ổn định.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, bổ sung thêm phân khúc gạo chất lượng cao đang cạnh tranh khốc liệt trên thế giới vì nhu cầu người tiêu dùng cần gạo chất lượng, các nước cũng làm gạo chất lượng cao. Việt Nam có gạo chất lượng nhưng đi kèm với đó là phải xây dựng thương hiệu, giá cả hợp lý.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo XK gạo từ nay đến cuối năm sẽ tăng do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi tăng lên.
Đặc biệt, Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018/NĐ- CP về XK gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018) thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Chính sách thông thoáng này sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các DN XK, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ mở rộng thị trường mà không cần ủy thác qua DN khác, đẩy mạnh XK các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản sang các thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn như Trung Quốc.
"Với điều kiện này, các DN XK Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý.
Lê Thúy
Ông Đào Việt Anh - Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc DN cần phải chú trọng đảm bảo chất lượng gạo XK phù hợp với các quy định về kiểm dịch, an toàn chất lượng đối với sản phẩm gạo nhập khẩu của phía Trung Quốc. Ngoài ra, cần chủ động trong công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm bạn hàng, đối tác và cần phải xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo để có thể thâm nhập vào các hệ thống siêu thị tại thị trường này. Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) Trung Quốc là thị trường rộng lớn để đẩy mạnh XK các loại gạo cao cấp, gạo nếp, nhưng thị trường nào cũng có giới hạn nhất định. Chưa kể, XK vào Trung Quốc cần lưu ý về mặt chính sách, họ thường sử dụng thuế và hạn ngạch làm công cụ để điều tiết thị trường. Gs.Ts. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải bắt đầu từ DN, sự hợp tác của DN và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Hơn ai hết, DN cần "biết mình, biết ta" trong cuộc cạnh tranh trên thị trường, phải biết các đối thủ của hạt gạo Việt đã có nhiều bước đi và thủ thuật marketing độc đáo trên thị trường thế giới. |