Tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "FTA Việt Nam-EAEU: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội" vừa diễn ra sáng 19/8 tại Hà Nội, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, cho biết những quy định mà EAEU đặt ra cho hàng nhập khẩu khá nghiêm ngặt.
Đơn cử như với hàng thủy sản, do các nước trong khối kế thừa quy định của của Liên xô (cũ) nên các tiêu chuẩn đặt ra có sự khác biệt. EAEU hiện chỉ chấp nhận một quốc gia có hệ thống quản lý chất lượng tương đương và các DN được cơ quan quản lý chấp thuận, thì mới đủ điều kiện xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay, EAEU chưa chấp nhận hệ thống tiêu chuẩn của nước ta, nên các DN xuất khẩu thủy sản hay nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn phải tuân thủ theo quy định của khối này.
Không chỉ là rào cản kỹ thuật
Một trong những yêu cầu mà EAEU đặt ra với hàng thủy sản, là phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ có nguồn gốc nội địa từ 40% trở lên. Hầu hết các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đều đáp ứng tiêu chí này, song với mặt hàng tôm và cá ngừ thì đây lại là bài toán khó, khi bị phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Chưa kể, EAEU yêu cầu hàng hóa xuất khẩu sang không được quá cảnh ở nước thứ ba, hoặc không được chia nhỏ lô hàng, và áp dụng điều khoản tạm ngừng ưu đãi nếu phát hiện có gian lận về quy tắc xuất xứ hoặc vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Không dừng lại ở những tiêu chuẩn hay quy định về kỹ thuật, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho rằng những yêu cầu về kiểm tra an toàn thực phẩm hoặc kiểm dịch động thực vật của phía Nga chưa có sự minh bạch.
Do đó, mặc dù thời gian qua, nhiều DN đã nỗ lực cải thiện năng lực, đáp ứng yêu cầu của phía bạn hoặc liên tục có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp, song tỷ lệ DN được phía Nga chấp nhận đạt yêu cầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng DN đã đăng ký tham gia xuất khẩu vào thị trường này.
![]() |
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) đang mang mở ra cơ hội cho DN tiếp cận thị trường tiềm năng này
Dẫn chứng, ông Nam cho biết, trong năm 2014, Bộ Công Thương có tổ chức đoàn đi xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Nga. Sự kiện này đều có đại diện của các bên tham gia, thể hiện tinh thần hợp tác và cũng yêu cầu các ngành gửi danh sách những DN có nguyện vọng xuất khẩu sang nước này.
Riêng với thủy sản, ông Nam cho biết VASEP đã tổng hợp có tới hơn 60 công ty muốn xuất khẩu vào Nga, gửi danh sách lên Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song đến nay, vẫn chưa có phản hồi cho dù Hiệp định FTA đã được ký kết, chủ trương tăng cường hợp tác cũng đã được hai bên nhắc đến.
Trong khi đại diện các DN lo ngại việc xuất khẩu sang Nga có thể gặp nhiều khó khăn, thì nhiều ngành sản xuất trong nước cũng chịu sức ép không nhỏ khi hàng hóa của Nga có thể tràn vào Việt Nam.
DN nỗ lực giải bài toán khó
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết trong quá trình đàm phán đã yêu cầu có lộ trình phù hợp cho các sản phẩm mà trong nước sản xuất được như thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, tôn mạ… với lộ trình cắt giảm thuế quan từ 7 – 10 năm.
Tuy nhiên, các nước trong khối Á Âu có thế mạnh rất lớn trong sản xuất thép, nên ông Sưa cho rằng áp lực cho ngành thép trong thời gian tới là không nhỏ. Hiện Nga được xem là cường quốc sản xuất thép, với quy mô sản xuất lớn, cạnh tranh trực tiếp với thép Việt.
Đại diện của VSA lo ngại rằng để thích ứng được thì DN ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cải thiện biện pháp đổi mới công nghệ, khả năng quản trị, để giữ vững thị trường trong nước trước bối cảnh thép Nga có thể vào thị trường nội địa nhiều hơn.
"Trong bối cảnh tự do hoá thương mại, không còn con đường nào khác, DN phải cố gắng hết mình nâng cao khả năng cạnh tranh, trong đó tập trung vào vấn đề chất lượng, giá cả, thương hiệu và khả năng cung ứng, dịch vụ sau bán hàng. Để nâng cao tiêu chí này, DN thép phải có biện pháp đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, cho ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý và nâng cao quy mô. DN thép hiện chỉ có công suất vài trăm nghìn tấn nên chịu chi phí khấu hao lớn, giá thành không thể hạ thì không thể cạnh tranh được với DN thép của Nga có quy mô lớn lên tới 4 – 5 triệu tấn", ông Sưa đánh giá.
Theo đại diện Bộ Công Thương, ngay trong quy định của FTA, để hai bên tăng cường hợp tác, mỗi bên sẽ chỉ ra đầu mối phối hợp. Được biết, bên phía bạn sẽ công bố thông tin, cập nhật đầy đủ trên website để các DN hai nước thường xuyên truy cập và tham khảo thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền thông tin về hiệp định, gắn với việc hướng dẫn và đào tạo cho các cán bộ DN tận dụng ưu đãi xuất xứ, đáp ứng các tiêu chí mà FTA đặt ra.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu ------------------------------- Trong nhiều năm qua, ngành thủy sản Việt Nam luôn xác định Nga và khu vực này có sức tiêu thụ đặc biệt, đây là thị trường đầy tiềm năng. Song quá trình thâm nhập thị trường gặp nhiều bất cập nên giá trị xuất khẩu thủy sản chưa cao (khoảng 106 triệu USD-110 triệu USD mỗi năm, chỉ hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành). Nguyên nhân là do các quy định tiếp cận hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS) của Nga và khối Á-Âu rất chặt chẽ. Ông Dương Hoàng Minh, Vụ phó Vụ Châu Âu, Bộ Công Thương Hiểu biết của doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy định của Nga về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật là chưa tốt. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam quen xuất khẩu sang thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu nhưng sang đến thị trường Á-Âu yêu cầu kiểm dịch thực vật lại có sự khác biệt, do hệ thống kiểm soát chất lượng họ có sự kế thừa từ Liên Xô cũ. Khi đàm phán, Việt Nam đã đưa chương trình quy định tiếp cận hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS) dựa trên nguyên tắc của tổ chức WTO nhằm tạo sự minh bạch, tiến tới công nhận tương đương lẫn nhau về hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông-lâm-thủy sản. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam |
Cẩm An