Thời điểm cao điểm của dịch bệnh vào quý III/2021 xảy ra ở TP.HCM và các địa phương phía Nam - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhiều tin đồn về việc một số nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc rút vốn, chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam.
Nike chuyển nhà máy chỉ là tin đồn
Chia sẻ về tin đồn này, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết Bộ đã trực tiếp tìm hiểu cụ thể thông tin thì không phải là như vậy. Thời điểm đó, Nike gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất nên họ đã chuyển đơn hàng sang nước khác, sau khi Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết 128 sống chung với COVID-19, đơn hàng đã quay trở lại.
LEGO quyết định đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại Việt Nam sau 1 thập kỷ cân nhắc. |
Ông Phương chia sẻ: "Nhà đầu tư nước ngoài không thể đơn giản nói đi là đi ngay được vì họ không dễ dàng từ bỏ nền móng mà mình gây dựng bấy lâu nay".
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết dịch COVID-19 tác động ít nhiều tới hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài mới. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc đi lại, nhập cảnh khó khăn hơn. Điều này ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới là cần tiếp tục thu hút, giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), dịch COVID-19 khiến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chịu tác động. Thống kê tới tháng 11/2021, bức tranh FDI có đan xen mảng màu sáng và tối.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy tính đến 20/11/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thực tế, ở thời kỳ đỉnh của dịch COVID-19 trong quý III/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, 18% đơn hàng của một số nhãn hàng lớn đã chuyển sang nước khác.
Theo kết quả khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư của họ đã không thể vào Việt Nam để khởi động dự án của mình.
Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, không chỉ nhà đầu tư châu Âu mà các doanh nghiệp FDI khác đến từ Mỹ, Hàn Quốc... cũng đối mặt với nhiều khó khăn, chịu thiệt hại do hoạt động sản xuất bị ngừng trệ. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động cầm chừng.
Tuy nhiên, sau "cơn mưa trời lại sáng", kể từ quý IV năm nay, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần trở lại quỹ đạo. Việc Chính phủ đang xây dựng gói kích kinh tế, đi kèm với cải cách thể chế sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Kỳ vọng thêm nhiều dự án tỷ USD
Đầu tháng 12 vừa qua, Tập đoàn LEGO đã đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và thứ 2 ở châu Á với kỳ vọng sẽ giúp tập đoàn này mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện cho nhà đầu tư Thái Lan, ông Tharabodee Serng Adichaiwit, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham), cho biết hiện nay vốn đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam đang đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam. "Chúng tôi dự định trong thời gian tới sẽ có thêm vài tỷ USD của các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, giúp Thái Lan dịch lên vị trí thứ 5 trong tốp nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam", ông Tharabodee nói.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan tại Việt Nam cho hay sẽ có nhiều nhà đầu tư Thái Lan đến Việt Nam tham quan, khảo sát thị trường.
Tín hiệu này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh dài hạn tại thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón lõng dòng vốn FDI đi kèm với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đảm bảo nguồn cung lao động ổn định.
Đặc biệt là tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là câu chuyện dài hơi liên quan tới đất đai, giấy phép xây dựng; thủ tục xuất nhập khẩu cần phải được khơi thông hơn nữa. Bên cạnh đó là những cải cách để tạo thêm không gian cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như cân nhắc nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, tạo niềm tin giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước...
Theo ông Vũ Tiến Lộc, muốn thu hút dòng đầu tư chất lượng cao thì môi trường thể chế của Việt Nam cũng cần cải cách mạnh hơn. Cải thiện khung pháp lý được xem là yếu tố then chốt tăng cường sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam. Nhà đầu tư cần được cung cấp thông tin đầy đủ, cần thiết về thị trường, quy định nào cần chú ý, cần tránh...
"Năm 2021 đang dần khép lại, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp FDI tại thị trường Việt Nam. Chúng ta kỳ vọng 2022 sẽ là năm chứng kiến dòng vốn FDI kỷ lục đổ vào thị trường Việt Nam", ông Lộc chia sẻ.
Lê Thúy