Nhằm đúng lúc kinh tế có dấu hiệu giảm phát, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh tăng giá điện 5% từ ngày 1/7/2012. Theo EVN, mức tăng 5% này là hợp lý và “không ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh”. Nhưng cái lý của “nhà đèn” dường như lại cho thấy một điều: EVN đang không sòng phẳng với người tiêu dùng?
Trong thông cáo báo chí phát đi, EVN cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT - BCT ngày 29/6/2012 quy định về giá bán điện. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2012, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng/kwh (chưa gồm VAT), tương đương tăng 65 đồng/kwh (5%).
Một lựa chọn khôn ngoan?
Đây là lần tăng giá điện đầu tiên trong năm 2012 và mức tăng chỉ khiêm tốn 5%, thay vì 9 - 10% như năm trước. Việc điều chỉnh giá lần này cũng cho thấy EVN luôn... “thiếu trung thực”!
Quyết định tăng giá điện được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu giảm phát, chỉ số CPI lần đầu tiên giảm 0,26% sau 40 tháng tăng liên tiếp. Do đó, “cái cớ” không cho EVN tăng giá điện đã không còn. Hơn nữa, lý giải của EVN về mục đích tăng giá điện để khuyến khích đầu tư nước ngoài cũng như khu vực tư nhân vào ngành điện dường như cũng thiếu thuyết phục!
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng việc tăng giá điện 5% lần này là không bất ngờ vì nằm trong kế hoạch điều chỉnh giá điện đã được phê duyệt. Nhưng xét về mặt thời điểm, tác động của việc tăng giá điện tới nền kinh tế sẽ không lớn như lần tăng giá cuối năm ngoái. Do đó, đây là một “lựa chọn khôn ngoan” của EVN.
Sự khôn ngoan của EVN còn được thể hiện ở chỗ EVN đưa ra “dự báo”: việc tăng giá điện 5% có tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. EVN dẫn chứng: các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kwh/tháng chỉ tăng chi 4.200 đồng/tháng, sử dụng 150 - 200 kwh/tháng tăng chi 8.600 - 14.050 đồng/tháng, sử dụng 300 - 400 kwh/tháng tăng chi 26.050 - 38.905 đồng/tháng… Các hộ nghèo và thu nhập thấp (dùng dưới 50 kwh/tháng) không bị tác động do giá bán điện giữ nguyên là 993 đồng/kwh.
Tuy nhiên, phản hồi từ phía các DN lại cho thấy điều ngược lại. Một trong 63 khách hàng trọng điểm tiêu dùng điện lớn của Hải Phòng cho biết: mỗi tháng, cảng Đình Vũ chi trên 800 triệu đồng cho mức tiêu thụ 400.000 kwh. Với mức tăng giá 5%, chi phí điện sẽ phát sinh thêm 40 triệu đồng. “Số tiền điện tăng thêm không lớn vì ngoài lượng điện mua của EVN, DN phải chạy thêm máy phát điện bằng dầu diesel với chi phí đắt đỏ hơn” - Ông Cao Văn Tĩnh, Phó Giám đốc cảng Đình Vũ nói và tỏ ra “thương cảm” với các DN sản xuất thép, đóng tàu, xi măng..., nhất là DN thép có chi phí điện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nói: giá điện chiếm khoảng 6% giá thành phôi thép, 10% các loại thép thành phẩm khác. Để sản xuất ra một tấn thép cần khoảng 600 kwh điện. Giá điện tăng 281 đồng/kwh sẽ khiến giá phôi thép bị đội lên hơn 168.000 đồng/tấn sản phẩm. Trong khi đó, lượng tồn kho ngành thép rất lớn, mức tiêu thụ chỉ tăng 2% trong 5 tháng đầu năm... khiến các DN thép khốn đốn vì các khoản nợ vay quá hạn, không có khả năng thanh toán. Do đó, ông Cường cho rằng tăng giá điện lúc này là “một đòn giáng mạnh” vào DN sản xuất lớn.
Các DN xi măng cũng khổ sở không kém vì giá điện, xăng dầu hiện chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm. Theo các DN, dù giá điện chỉ tăng nhẹ nhưng sẽ kéo theo các chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi số lượng tồn kho của ngành xi măng lên tới 2 triệu tấn thì việc tăng giá điện sẽ đồng nghĩa với việc DN sẽ “chết” nhanh hơn!
Người tiêu dùng gánh lỗ của EVN?
Trên thực tế thời gian qua, EVN đã “nhấp nhổm” xin tăng giá điện nhưng chưa được chấp thuận. Việc tăng giá điện lần này và sắp tới là nhằm giúp EVN xử lý số lỗ khổng lồ lên tới 30.000 tỷ đồng (tính đến hết năm 2011). Điều này đã được chính EVN xác nhận rằng với mức tăng giá chỉ 5%, EVN sẽ có thêm 3.710 tỷ đồng doanh thu bán điện, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm trong 6 tháng cuối năm nay là 56,8 tỷ kwh. Khoản tiền này sẽ được dùng để bù đắp cho giá than tăng và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.
Theo ông Nguyễn Minh Phong, có nhiều thông tin mập mờ trong giải thích tăng giá điện của EVN, khiến người tiêu dùng có quyền nghi ngờ. Chẳng hạn, EVN lấy cớ chi phí đầu vào tăng cao, nhưng thực tế là giá xăng dầu đã giảm mạnh. Các hồ thủy điện đã có nhiều nước, có nghĩa chi phí sản xuất điện phải thấp hơn trước...
Mặt khác, “ai cũng hiểu, EVN muốn tăng giá điện để bù đắp các lỗ treo, nhưng lại không công khai cụ thể số lỗ là bao nhiêu và phải bù lỗ trong bao lâu thì hết? Sự thiếu minh bạch của DN độc quyền ngành điện đã khiến các lần tăng giá điện không thuyết phục” - ông Phong nhấn mạnh.
Có thể thấy rõ, với những DN sản xuất có chi phí điện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành thì mức tăng 5% giá điện sẽ làm phát sinh khoản chi phí lớn lên tới vài tỷ đồng mỗi tháng. Đây sẽ là một gánh nặng lớn cho các DN, nhất là giữa lúc DN đang cố duy trì sự sống yếu ớt, chờ đợi một “phép màu” để hồi phục!
Vậy, việc tăng giá điện theo kế hoạch năm 2012 đã tính toán đến những hệ lụy cho nền kinh tế, cụ thể là sự tác động “tiêu cực” tới DN và người dân hay chưa?
----------------------------------------------
Cần chọn đúng thời điểm để tăng giá điện
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thép Việt Nam
------------------------------------
Các DN đang rất lúng túng vì ngay cả trước lúc giá điện tăng, nhiều DN đã phải chịu thua lỗ và bây giờ, giá điện tăng không những khiến chi phí sản xuất cán thép và phôi thép tăng mà còn ảnh hưởng gián tiếp tới nhiều chi phí khác...
Hiện nay, giá bán thép ổn định ở mức 15,2 - 15,8 triệu đồng/tấn, trong đó riêng nguyên liệu đầu vào (phôi) chiếm 13,5 - 14 triệu đồng/tấn; tiền lương 1,5 - 1,7 triệu/tấn… khiến chỉ các DN bán được với giá cao 15,5 - 15,8 triệu đồng/tấn mới hy vọng có mức lãi thấp còn các DN nhỏ lẻ sẽ chịu thua lỗ nặng.
Mặt khác, hiện nay cung luôn lớn hơn cầu, cụ thể, công suất sản xuất thép cả nước khoảng 9 triệu tấn trong năm 2011, sản lượng tiêu thụ của các thành viên trong Hiệp hội thép xấp xỉ 4,8 triệu tấn, ngoài hiệp hội thêm 700 tấn, cộng với xuất khẩu ròng 500 - 600 tấn, như vậy tổng sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 6,1 triệu tấn. Thực tế đó khiến giá thép khó có thể tăng thêm.
Nếu tăng giá điện, mỗi tấn thép cán trung bình tiêu tốn 100 kwh điện, như vậy, với giá điện tăng 65 đồng/kwh sẽ dẫn tới tăng 6.500 đồng/tấn thép cán; phôi thép sẽ tăng 32.500 đồng/tấn. Như vậy, với sản lượng trung bình 40.000 tấn/tháng, chi phí về điện của một DN trong Hiệp hội thép tăng thêm tới 780 triệu đồng/tháng.
Các DN trong Hiệp hội thép đã bàn tính các giải pháp, nhưng việc cắt giảm chi phí không có ý nghĩa nhiều bởi chi phí chỉ có thể cắt giảm tới một mức độ cho phép, vì vẫn phải bảo đảm đủ nguyên liệu và tiền lương cần thiết. Còn việc thay đổi công nghệ sản xuất là một khó khăn lớn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Do vậy, khó khăn mà các DN thép nói chung đang gặp phải rất lớn.
Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng dễ hiểu của thị trường. Việc tăng giá điện đã được thông báo từ trước và các ngành điện lâu nay đã phải chịu thua lỗ nên có thể thông cảm với việc tăng giá điện và Hiệp hội thép cũng không có nhiều phàn nàn. Tuy nhiên, chọn đúng thời điểm để tăng giá điện là vấn đề rất khó, vấn đề là làm thế nào để có thể hài hòa lợi ích của các bên.
Chỉ người lao động thiệt thòi
Ông Đỗ Nam Hải - Phó Giám đốc Công ty CP may Hai - Hải Phòng
------------------------------------
Hiện nay, chi phí lương đã chiếm tới 70% doanh thu gia công của Công ty CP may Hai Hải Phòng. Do chi phí lương đã chiếm phần lớn, nên 30% doanh thu gia công còn lại phải gánh đủ loại chi phí khác. Tôi khẳng định tỷ lệ này là rất nguy hiểm với DN vì lãi đã không còn mà nguy cơ thiếu, nợ lương người lao động rất cao. Thực tế, nếu bất kỳ khoản chi phí nào tăng thêm thì sẽ có thêm nhiều DN dệt may đóng cửa. Với Công ty may Hai Hải Phòng, giá điện tăng thêm không đáng kể trong giá thành gia công. Tuy nhiên, do công ty giờ đã không còn lãi, ngấp nghé nguy cơ lỗ, nên giá điện tăng thêm vào chi phí sản xuất, công ty không còn nguồn để cân đối, mà chỉ có thể trừ vào thu nhập của người lao động. Do đó cũng có thể nói, với ngành dệt may, tăng giá điện thì chỉ người lao động thiệt, DN không còn khả năng để... thiệt thêm. Nếu DN thiệt thêm, người lao động cũng chịu hậu quả lớn nhất, vì họ sẽ mất việc làm.
Thu Hằng