Trong bối cảnh Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) sẽ làm thay đổi “bức tranh” ngành tài chính như thế nào, DN đã sẵn sàng cho thay đổi chưa, thách thức sẽ ra sao là nội dung được nêu tại Hội thảo “Ngành Tài chính - Viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA” ngày 23/10.
Ngân hàng, bảo hiểm tăng 21%
Riêng với ngành tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán được xem như “xương sống” của nền kinh tế, sự phát triển của ngành này có sức lan tỏa đến các ngành khác.
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) ngành tài chính có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, doanh thu và lợi nhuận. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng 388 DN, tổ chức được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính, trong đó có 64 đơn vị kinh doanh bảo hiểm, 126 ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng và 198 tổ chức chứng khoán.
Các chuyên gia cho biết sự tăng trưởng của ngành tài chính nhờ vào xu hướng mới trong tiêu dùng của dân cư. Theo đó, người dân chi tiêu mạnh hơn cho các dịch vụ bảo hiểm, vay tiêu dùng, mua trả góp, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử…
Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt là đầu năm 2020 khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Ngành tài chính sẽ mở cửa rộng hơn theo cam kết, nhiều DN nước ngoài sẽ mang theo các dịch vụ hiện đại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Phân tích về tác động của EVFTA với ngành tài chính, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cạnh tranh trên thị trường dịch vụ tài chính sẽ giúp người tiêu dùng, DN và cả nền kinh tế được hưởng lợi. Đây cũng là nhân tố để các DN Việt Nam giảm chi phí vốn, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình và của cả nền kinh tế.
Tuy tác động trực tiếp của các cam kết mở cửa dịch vụ tài chính trong EVFTA ở thị trường Việt Nam cơ bản là không đáng kể, nhưng tác động gián tiếp lại rất lớn.
Theo đánh giá của Trung tâm WTO và Hội nhập, những cam kết của EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2023 tăng thêm khoảng 2,18 - 3,25%, trong giai đoạn từ năm 2024 - 2028 tăng 4,57 - 5,3% và trong giai đoạn năm 2029 - 2033 tăng 7,07 - 7,72%.
“Ngành ngân hàng và bảo hiểm cũng sẽ tăng giá trị xuất khẩu khoảng 21% so với thời điểm trước khi có EVFTA”, bà Trang nói.
Ngoài ra, tác động gián tiếp mà EVFTA mang đến sẽ làm gia tăng nhu cầu dịch vụ; giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ổn định hơn, từ đó kéo theo cơ hội đầu tư tại các nền kinh tế thuộc EU và cơ hội hợp tác với các đối tác EU.
Thực tế, EU là một trung tâm tài chính lớn của thế giới, các DN thuộc EU là nhà xuất khẩu, đầu tư dịch vụ tài chính hàng đầu. Do đó, việc hợp tác với các đối tác EU sẽ giúp các DN Việt cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị năng lực cạnh tranh.
![]() |
EVFTA sẽ mang lại những trải nghiệm tốt khác biệt với người tiêu dùng |
Cần mở cửa thị trường
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá việc tận dụng các cơ hội này phụ thuộc lớn vào sự chủ động tìm hiểu, hành động nắm bắt cơ hội của các DN Việt.
Bà Trang nhận định những thách thức từ EVFTA đối với ngành tài chính Việt Nam là không đáng kể, bởi ngành tài chính sẽ chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái bảo hiểm và mức cam kết sẽ không có gì thay đổi trong vòng 5 năm đầu. Sau đó, mức độ mở cửa sẽ cao hơn cam kết WTO về mức vốn nước ngoài trong liên doanh và dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng mở cho DN 100% vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, ngành tài chính và viễn thông sẽ đứng trước những áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập FTA. Khi có nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính đến từ EU đầu tư tại Việt Nam hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, nếu các DN nội không thay đổi bắt kịp xu hướng sẽ đánh mất thị phần vào DN ngoại.
Không chỉ thế, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn cũng là những thác thức từ EVFTA mà nền kinh tế phải đối mặt.
“Đây là những vấn đề khó và mang tính đặc thù cao. Vì vậy, các DN cần hiểu rõ ràng, đầy đủ để có thể vận dụng cam kết trong quá trình sản xuất kinh doanh”, bà Trang nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng để tận dụng được những cơ hội và vượt qua thách thức của các ngành tài chính, viễn thông, yêu cầu đặt ra cho các DN là phải chuyên nghiệp hóa và nâng cao các dịch vụ cung cấp, thiết kế và cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ, ngân hàng điện tử, rà soát thường xuyên và nâng cao các kỹ thuật bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Song song đó, rà soát và kiểm soát chặt chẽ các quy trình, nghiệp vụ tài chính ngân hàng; thường xuyên và nâng cao các kỹ thuật bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin.
Dưới góc độ chính sách, các chuyên gia đến từ Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng cần phải xóa bỏ các rào cản chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN.
“Trên thực tế, hiệu quả rà soát và cắt giảm các điều kiện kinh doanh một phần phụ thuộc vào tiếng nói của DN, bởi đây là lĩnh vực có chuyên môn sâu mà các chuyên gia chung về môi trường kinh doanh có thể không đủ kỹ thuật để tham gia ý kiến. Do đó, các DN cần chủ động tham gia tích cực vào quá trình này”, bà Trang nói.
Ngoài ra, Việt Nam đang sử dụng biện pháp quản lý thị trường tài chính rất chặt chẽ, căn cứ vào quy định nội địa vì “lý do thận trọng”, nên về tổng thể, thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam chưa thực sự mở. Điều này giúp cho các ngành dịch vụ tài chính nội địa tạo dựng một vị trí nhất định trong cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, cách thức này cũng làm giảm áp lực thay đổi, phát triển DN Việt. Ngoài ra, việc hạn chế mở cửa cũng làm giảm cơ hội hợp tác với các đối tác mạnh trong việc cung cấp dịch vụ thị trường nội địa, cũng như vươn ra thị trường nước ngoài.
“Do đó, Chính phủ cần có tiến trình mở cửa tự do hóa một cách hợp lý các dịch vụ tài chính. Ví dụ theo tiến trình EVFTA và CPTPP cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài”, bà Trang kiến nghị.
Thanh Hoa
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI Trong EVFTA, cam kết liên quan đến dịch vụ tài chính, viễn thông nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Theo đó, một mặt mở cửa tự do hóa các ngành này, mặt khác thì đây cũng là dịch vụ nhạy cảm gắn liền với sự ổn định của nền tài chính kinh tế quốc dân, an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp, tức thời tới mọi hoạt động kinh tế xã hội. Do đó, luôn cần có sự kiểm soát thận trọng. Ông Bùi Gia Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngành tài chính bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán Việt Nam có tốc độ tăng 7,5%, cao gấp 1,5 lần các dịch vụ khác. Với sự hiện diện của các DN bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, DN Việt đã dần thích ứng với sự cạnh tranh của thị trường. Tuy nhiên, thị trường luôn yêu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, vốn. Việc ký EVFTA là cơ hội khi khối DN bảo hiểm châu Âu có thêm nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam, giúp thị trường bảo hiểm phát triển về quy mô nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. Vì thế, các DN bảo hiểm Việt Nam thông qua sự hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài phải có sự chia sẻ, trao đổi, gây dựng thị trường phát triển cạnh tranh lành mạnh. Ông Nguyễn Hữu Quyền - Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT Thời gian qua, nội lực cũng như chất lượng, giá cả dịch vụ của các DN viễn thông Việt Nam khá tốt, nhưng việc các DN Việt vào thị trường EU vẫn rất khó khăn do cạnh tranh khốc liệt. Sau 5 năm nữa, khoảng năm 2025, thị trường Việt Nam mở hoàn toàn dịch vụ và cam kết mở cửa thị trường. Tuy nhiên, điều kiện sau đó rất chặt chẽ, rủi ro pháp lý cao nên DN cần nâng cao năng lực, nội lực, nhân sự, công nghệ, mạng lưới, chuẩn bị sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam. |