Trong hạ tuần tháng 6 này, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) sẽ phối hợp cùng Amazon tổ chức diễn đàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới 2024 nhằm thảo luận về các chính sách và giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt trong quá trình kinh doanh và định hướng xuất khẩu (XK) trực tuyến cho giai đoạn tới.
Biết cách khai thác tối đa tiềm năng
Theo đó, những vấn đề then chốt được đưa ra bàn thảo như định hướng chính sách thúc đẩy XK trực tuyến (online) giai đoạn 2026 – 2030, chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030, các sáng kiến của DN nhằm thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới.
Điều mà các DN Việt cần làm trong lúc này là tiếp tục tăng tốc mở rộng kinh doanh toàn cầu thông qua kết nối giao thương với các nhà thu mua quốc tế và qua TMĐT xuyên biên giới. |
Với dự báo thị trường TMĐT toàn cầu sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025 thì việc các DN Việt hướng đến XK trực tuyến, mở toang “cánh cửa vàng” này là rất cần thiết.
Mặc dù vậy không phải DN nào cũng biết cách khai thác tối đa tiềm năng của XK trực tuyến. Do độ phủ thị trường TMĐT xuyên biên giới rất rộng lớn nên nhiều DN dù mong muốn thúc đẩy XK trực tuyến nhưng vẫn loay hoay với một loạt vấn đề, chẳng hạn như cần đầu tư ra sao để có thể phát triển kinh doanh theo hướng dài hơi.
Trong buổi tiếp xúc mới đây với các nhà cung ứng tại Tp.HCM, ông Gijae Seong, Giám đốc bán hàng toàn cầu của Amazon tại Việt Nam, lưu ý điều mà sàn TMĐT toàn cầu như Amazon cần là được khám phá tiềm năng sản phẩm mới của Việt Nam và sẽ trao quyền cho nhiều DN Việt hơn nữa để mở rộng phạm vi tiếp cận của họ thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Còn theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), việc tham gia vào hệ thống XK, nhập khẩu trực tuyến, các kênh TMĐT xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng tệp khách hàng. Nhất là tăng phạm vi tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực DN và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng quốc tế.
Giới chuyên gia cho rằng để có thể tham gia TMĐT xuyên biên giới và phát triển bền vững, ngoài sản phẩm tốt, điều mà các DN Việt cần là phải trang bị kiến thức sâu rộng về “vòng quay” TMĐT thế giới để có một chiến lược đầu tư dài hạn, hiệu quả.
Đặc biệt là cần nắm rõ các quy định, thủ tục XK trực tuyến, quy định của từng sàn TMĐT xuyên biên giới, hiểu về dịch vụ quản lý, vận hành cửa hàng trên các sàn TMĐT, dịch vụ logistics, xây dựng thương hiệu trên các sàn TMĐT quốc tế.
Chẳng hạn như với các DN đang muốn XK online vào thị trường Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức về những thay đổi nhanh chóng trong chính sách và quy định về thương mại xuyên biên giới, cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn trên thị trường, rào cản ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa kinh doanh và thủ tục hành chính giữa Việt Nam và Trung Quốc…
Tuy nhiên, nếu có hướng đi dài hơi một hiệu quả thì các DN Việt khi nhắm đến XK trực tuyến sẽ khai thác sức mua lớn của thị trường Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân. Nhất là tận dụng ưu đãi về thuế quan và hải quan trong các hiệp định thương mại tự do.
Ông Đặng Tiến Hoàng (có biệt danh trên mạng xã hội là ViruSs) – chuyên gia Omnichannel (mô hình bán hàng đa kênh) nói rằng, các DN Việt đang cố gắng bám rất sát với người hàng xóm Trung Quốc. Bởi vì các DN nhỏ và vừa Trung Quốc đang nhảy vào thị trường Việt Nam rất mạnh. Và khi bước vào hoạt động TMĐT xuyên biên giới thì các DN Việt cần có kế hoạch dài hạn, tất cả không đơn giản.
Cần hướng đi dài hơi căn cơ
Ngoài ra, các DN Việt cũng cần được hỗ trợ về mặt pháp lý, tuân thủ các quy định của từng thị trường. Một khi được trang bị đầy đủ, họ sẽ có nhiều cơ hội thành công trên các sàn TMĐT xuyên biên giới.
Thực tế cho thấy nhiều DN Việt cũng đã từng bước thâm nhập tốt vào thị trường XK trực tuyến. Như chia sẻ của ông Gijae Seong, trong 5 năm trở lại đây, số lượng sản phẩm DN Việt bán trên sàn TMĐT toàn cầu như Amazon tăng hơn 300%. Hàng nghìn DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang XK thông qua sàn TMĐT này với số lượng những DN đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần.
“Ấn tượng hơn, người bán hàng Việt Nam không chỉ XK sản phẩm mà còn tích cực đầu tư xây dựng thương hiệu mạnh toàn cầu. Số lượng người bán hàng Việt Nam đăng ký vào cơ quan đăng ký thương hiệu của Amazon đã tăng gấp 35 lần, thể hiện tham vọng mở khóa tăng trưởng quốc tế dài hạn của họ”, ông Gijae Seong đánh giá.
Từ mức độ hiệu quả như vậy, có thể kỳ vọng các DN Việt sẽ tiếp tục tăng tốc mở rộng kinh doanh toàn cầu qua TMĐT xuyên biên giới, cũng như tăng trưởng thị phần của hàng Việt trên thị trường tiêu dùng trực tuyến quốc tế.
Tuy nhiên, khi hướng đến XK trực tuyến, các DN cần lưu tâm nhiều đến thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế, đơn cử như xu hướng mua sắm những sản phẩm có tính sáng tạo cao, thân thiện môi trường, thể hiện giá trị của địa phương…
Bên cạnh đó, việc giữ chân người mua quốc tế cũng là điều mà các DN xuất khẩu trực tuyến cần chú ý. Điều này cũng nên liên hệ thực tế ngay tại thị trường TMĐT nội địa, một thống kê cho thấy trung bình chỉ có 15% khách hàng thường xuyên quay lại, 25% khách hàng thỉnh thoảng quay lại, nhưng có đến 80% khách hàng đã rời bỏ, không quay lại.
Cho nên, theo ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc điều hành của PrimeData (một trung tâm chuyên về phân tích dữ liệu khách hàng đầu cuối và trải nghiệm đa kênh), một “bài toán” lớn mà các DN khi XK trực tuyến cần giải cho được là giữ chân người mua.
Trong khi đó, có nghiên cứu nói rằng, nếu các DN bán hàng trực tuyến tăng 5% khách hàng trung thành, thì họ có thể tăng được đến 25% - 200% lợi nhuận. Chính vì vậy, như lưu ý của ông Triều, việc phân tích data (dữ liệu), nắm bắt xu hướng hành vi tiêu dùng sẽ giúp các DN am hiểu người mua, biết được nhu cầu để đáp ứng đúng và kịp thời, cũng như xu hướng tiêu dùng của họ.
Nhìn về lâu dài, các DN Việt đang đứng trước cơ hội vàng để mở rộng thị trường XK trực tuyến. Và điều mà họ cần làm trong lúc này là nên có hướng đi đường dài một cách căn cơ, vững chãi để mở toang “cánh cửa vàng” của thị trường TMĐT xuyên biên giới.
Thế Vinh