Trước thông tin giá xăng sẽ tiếp tục “leo thang” trong thời gian tới, nhiều ý kiến băn khoăn giá dầu trên thế giới tăng đành phải chấp nhận, nhưng thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng hiện quá cao.Thậm chí có ý kiến còn mạnh dạn đề xuất, không giảm mà nên tạm bỏ thuế BVMT, tạm bỏ trích quỹ bình ổn xăng dầu và thuế Tiêu thụ đặc biệt trong một khoảng thời gian ngắn thích hợp nhằm giữ bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Mạnh tay giảm thuế mới kìm được giá tăng
Ngay như trong dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 do Bộ Tài chính soạn thảo cũng cho thấy chưa thật sự linh hoạt giữa bối cảnh hiện tại, nhất là khi ban đầu đề xuất phương án giảm thuế BVMT đối với xăng chỉ giảm có 1.000 đồng/lít và chỉ giảm 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/4/2022 tới hết năm 2022.
Lẽ ra, Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu thực tế, tính toán cụ thể và có đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg... ngay từ đầu chứ không phải đợi đến khi giá dầu trên thị trường quá cao, không thể "đỡ" nổi mới quyết định giảm 50% thuế như đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Chính sách thuế VAT kém linh động trong thời gian dài khiến cho nông dân gặp nhiều thiệt thòi từ giá phân bón tăng cao. |
Còn theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù đây là phương án tích cực nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), hiệp hội thì việc giảm thuế BVMT cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn nữa.
Lý do là giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh xung đột quân sự và trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại châu Âu và có xu hướng leo thang.
Ở góc độ DN bán lẻ, ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của CTCP Trung tâm thương mại Lotte Mart Việt Nam, bày tỏ hy vọng trong chính sách về thuế suất đối với xăng dầu sắp tới rất cần hợp lý hơn để kiềm chế mức độ tăng giá như hiện giờ. Còn nếu để tình hình tăng giá xăng kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều về mặt giá cả và lạm phát trong năm 2022.
Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều chủ DN nói rằng bởi vì thuế chồng thuế nên giá xăng tăng quá cao. Trong khi xăng dầu là nguyên liệu đầu vào thiết yếu để phục vụ cho rất nhiều ngành nghề sản xuất, vận chuyển chứ có phải hàng xa xỉ phẩm mà lại áp thuế Tiêu thụ đặc biệt? Nhất là giá xăng dầu tăng quá cao (có thể tiến sát mức 30.000đ/lít) sẽ làm giá cả của rất nhiều mặt hàng “nhảy múa” lên mức giá mới, sau đó có muốn kéo giá xuống cũng khó.
Thuế VAT vẫn chưa hợp lý
Về phía VCCI, có nhấn mạnh rằng: “Giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khoẻ của DN và cả nền kinh trong giai đoạn này đang yếu ốm, cần hồi phục”.
Vì vậy, bên cạnh phương án mức thuế BVMT giảm mạnh, thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.
Không chỉ là mức thuế suất quá cao ảnh hưởng tới giá xăng, giới chuyên gia cho rằng giá cả sẽ còn “nhảy múa” từ những điều chưa thật sự hợp lý từ chính sách về thuế Giá trị gia tăng (VAT).
Chẳng hạn, ngoài việc giảm thuế VAT (từ 10% xuống 8%) trong năm 2022 cho phần lớn các hàng hóa và dịch vụ, điều mà nhiều DN còn băn khoăn là Luật thuế GTGT hiện hành vẫn quy định rất nhiều loại hàng hoá là đối tượng không chịu thuế VAT như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến; giống vật nuôi, giống cây trồng; phân bón; máy móc nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi; muối…
Chính vì chính sách thuế VAT kém linh động, cho nên việc không được coi là đối tượng chịu thuế khiến những DN trong nước sản xuất loại hàng hoá này để tiêu dùng trong nước không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào.
Quy định này khiến các DN trong các lĩnh vực trên gặp rất nhiều thiệt thòi. Các chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, quảng cáo, dịch vụ mặt bằng, kho bãi, dịch vụ vận chuyển… đều có thuế VAT đầu vào nhưng không được khấu trừ.
Trong khi đó, hàng hoá nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế VAT tại Việt Nam, từ đó có lợi thế về thuế hơn các sản phẩm sản xuất trong nước.
Đơn cử như với mặt hàng phân bón tăng giá như vũ bão trong thời gian qua, thế nhưng DN và nông dân vẫn trông chờ chính sách chuyển từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% như đề xuất lâu nay.
Lẽ ra chính sách này phải được linh động thông qua càng sớm càng tốt. Bởi vì một khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT thì các chi phí thuế bao gồm cả thuế VAT đầu vào được cộng hết vào giá, làm cho giá tăng lên.
Còn nếu là đối tượng chịu thuế VAT (áp dụng ở tất cả các khâu: Nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng) thì phân bón sẽ có khấu trừ đầu vào – ra, sẽ giúp giảm giá thành, từ đó sẽ góp phần hỗ trợ giá cho người dân…
Thế Vinh