Theo báo cáo mới nhất thuộc nghiên cứu “Giá trị của giáo dục” với tên gọi “Những nền tảng cho tương lai” vừa được ngân hàng HSBC công bố, hiện nay, Việt Nam có hơn 110.000 du học sinh tại 47 quốc gia trên thế giới, ước tính chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Như vậy, trung bình mỗi du học sinh chi tiêu khoảng 30.000 – 40.000 USD mỗi năm cho học phí và sinh hoạt phí.
“Chảy máu” nguồn thu
Số liệu từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2015, cùng với chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 7 nghìn tỷ đồng cho giáo dục đào tạo trong quốc phòng an ninh, thì tổng nguồn NSNN dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là 224.826 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi NSNN.
Thực tế cho thấy, bên cạnh nguồn lực đầu tư trực tiếp cho giáo dục và đào tạo theo cơ cấu NSNN, lĩnh vực giáo dục đại học còn được phân bổ thêm nguồn chi NSNN dành cho_ khoa học và công nghệ để tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm trọng điểm, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học.
Có thể thấy, chi phí cho giáo dục ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành giáo dục, do chất lượng giáo dục của ta còn yếu, những quy định về thi cử mang tính áp đặt, gò bó nên không thể “giữ chân” được một số con em gia đình khá giả chạy sang nước ngoài học, dù chi phí cao gấp nhiều lần học trong nước.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết trong tổng số cả trăm ngàn các du học sinh, có đến 90% là du học tự túc. Tỉ lệ này cho thấy kế hoạch đi du học phần lớn là những định hướng cá nhân hay gia đình theo hình thức “đầu tư kinh tế”.
Như vậy, mỗi năm người dân chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài cho con em học tập. Cụ thể, mỗi suất học học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 30.000 – 40.000 USD/năm.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2015 – 2016, có hơn 120.000 học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài. Nhân con số này với chi phí một suất du học sẽ cho thấy mỗi năm, người Việt Nam phải chuyển ra nước ngoài ít nhất 3 tỷ USD.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD – ĐT, so sánh: con số 3 tỷ USD là một con số lớn, bằng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2015, là công sức của hơn 10 triệu nông dân quần quật quanh năm. Đây là một thất thoát nguồn thu lớn cho các cơ sở đào tạo trong nước.
Phân tích kỹ hơn về điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiện nay, ngành giáo dục Việt Nam không tạo cho người ta sự hài lòng, an toàn khi giao con em cho nhà trường đào tạo.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng ngành giáo dục trong nước nên có kế hoạch nhân rộng, phát triển chất lượng đào tạo các trường quốc tế ở Việt Nam
Bỏ lỡ cơ hội 3 tỷ USD?
“Ở Việt Nam cách dạy nhồi nhét kiến thức nhiều quá, sức ép ghê quá, những vấn nạn, tiêu cực trong nhà trường…làm phụ huynh không hài lòng, họ muốn cho con em được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, thành một con người tốt hơn, không chỉ là kiến thức mà còn kỹ năng, biết sống một cách kỷ cương, tôn trọng xã hội…những ý thức đó họ có thể thấy ở một nền giáo dục nước ngoài, đảm bảo tốt hơn giáo dục Việt Nam”, bà Lan nói.
Theo một số chuyên gia kinh tế, để không bỏ lỡ cơ hội 3 tỷ USD, ngành giáo dục nên phát triển hệ thống trường quốc tế trong nước, đẩy mạnh hình thức du học tại chỗ để hạn chế chi phí. Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho rằng đây là một xu thế đang thịnh hành ở các nước Đông Nam Á, nó giúp người dân đất nước đó tiết kiệm được rất nhiều.
“Chi phí cho một suất du học nước ngoài có thể lo được cho 4 suất du học tại chỗ. Nếu chất lượng giáo dục trong nước đảm bảo, tạo được uy tín trong xã hội thì sẽ không có việc người và tiền chạy sang nước ngoài”, ông Nhĩ nói.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy số lượng dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành giáo dục còn khiêm tốn cả về số lượng và quy mô, với chỉ hơn 3,6 tỷ USD vốn đăng ký, từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI đến hết tháng 11/2015. GDP của dịch vụ giáo dục cũng chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng GDP của cả nước.
Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng rất khó để vượt qua tất cả các thủ tục cấp phép phức tạp. Họ gặp nhiều cản trở khi thành lập, mở rộng hoạt động tại Việt Nam, không ít nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực giáo dục chỉ biết thầm tiếc cơ hội khi mỗi năm Việt Nam chi ra khoảng 3 tỷ USD cho du học.
Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại tổ chức Giáo dục đào tạo Apollo, cho biết ngay từ khâu cấp phép thành lập đã rất phức tạp, bởi phải trải qua quy trình xem xét và phê duyệt của nhiều phòng ban, cơ quan.
“Trong khi cơ quan ban hành luật yêu cầu, hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập có ghi là hồ sơ dự kiến số lượng giáo viên và dự kiến số lượng nhân viên, thì cơ quan thực thi lại yêu cầu nộp hồ sơ giáo viên bao gồm giấy phép lao động hợp pháp tại thời điểm cấp phép.
Như thế có nghĩa là doanh nghiệp phải tuyển giáo viên, ký hợp đồng, trả lương và xin cấp giấy phép lao động cho giáo viên khi chưa đi vào hoạt động. Hai quy định này mâu thuẫn khiến DN không thực hiện được”..
Các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam đang thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng một môi trường thu hút đầu tư cho ngành giáo dục. Bởi đây là một lĩnh vực dịch vụ còn rất nhiều dư địa, chúng ta cần phải tận dụng nó làm tiền đề tăng trưởng khi hội nhập.
Thanh Hoa
Ông Phạm Chí Cường - Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo Một số quy định trong Nghị định 73 đang khiến nhà đầu tư vướng mắc khi thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới sửa đổi Nghị định với mục tiêu giảm thiểu thủ tục hành chính và giảm khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục. Ông Phan Mạnh Hùng - Giám đốc Pháp chế Kinderworld Group Theo khảo sát, nhu cầu học chương trình quốc tế của học sinh đang tăng lên rất nhanh, mỗi năm Việt Nam dành 3 tỷ USD cho giáo dục tại nước ngoài. Quy định mở trường quốc tế hiện nay sẽ khiến các nhà đầu tư “chùn bước”, như vậy, Việt Nam sẽ không nắm bắt được cơ hội tăng thu ở lĩnh vực này. Bà Vũ Thanh Hương - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội Việt Nam không nên quá rụt rè trong vấn đề mở cửa giáo dục mà cần tận dụng tốt cơ hội hội nhập, trước mắt là từ cộng đồng kinh tế chung ASEAN, để thay đổi, tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của ngành giáo dục. |