Nhu cầu của thị trường đồ gỗ trên thế giới hiện khoảng 467,7 tỷ USD/năm. Thế nhưng, nguồn cung các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới đáp ứng có 1,65% cho nhu cầu rất lớn này.
Trong buổi nhóm họp các DN xuất khẩu hôm 28/9 tại Tp.HCM để bàn về việc tham gia chuỗi giá trị ngành gỗ toàn cầu, nhận định về những con số trên, Ts Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) đã bày tỏ sự tiếc rẻ khi dư địa cho ngành này rất lớn nhưng các DN trong nước vẫn chưa biết tận dụng, chẳng khác nào “người đẹp” ngủ mãi trong rừng.
“Người đẹp ngủ trong rừng”
Theo ông Hạnh, xuất khẩu đồ gỗ, sản phẩm nội thất của Việt Nam đứng thứ 5 trong tốp các quốc gia dẫn đầu trên thế giới hiện nay và đứng thứ 2 ở châu Á (sau Trung Quốc) và đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn so với vị thế hàng đầu, năm 2015 đạt kim ngạch 6,9 tỷ USD, trong khi năm 2016 dự kiến đạt 7,6 tỷ USD.
Ngay như thị trường ASEAN, như lời ông Huỳnh Văn Hạnh, các DN xuất khẩu gỗ Việt vẫn đang bỏ ngỏ thị trường này, trong khi một số quốc gia của khu vực lại đang nhắm vào thị trường Việt Nam để tận dụng các lợi thế từ việc tham gia vào AEC.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy, trong 8 tháng đầu 2016, xuất khẩu nhóm hàng đồ gỗ của Việt Nam đạt gần 4,41 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu của Việt Nam, lớn nhất vẫn là Mỹ (đạt kim ngạch hơn 1,75 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước). Xếp sau là Nhật Bản (đạt kim ngạch 644 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước) và Trung Quốc (đạt kim ngạch 637 triệu USD, tăng 11,3%)…
![]() |
Lơ là các quy định, tiêu chuẩn tại các thị trường nhập khẩu là trở ngại lớn cho các DNxuất khẩu gỗ hiện nay
Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 39 DN xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ cho thấy chỉ có 1/3 DN là có tiêu chuẩn về kiểm soát xuất xứ nguyên liệu. Ngoài ra, có đến 11 DN xuất khẩu hoàn toàn không biết đến những quy định bắt buộc khi bước vào thị trường này.
Ts Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, than phiền rằng năng lực nắm bắt các quy định, tiêu chuẩn của DN xuất khẩu gỗ Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu lớn nhưng khó tính như Mỹ, EU, Úc là rất hạn chế, thậm chí có thể nói là quá lơ là.
Nên sớm đổi mới công nghệ
Những phân tích của Ts Huỳnh Văn Hạnh cho thấy thông qua việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), bên cạnh sự kỳ vọng mở rộng được thị phần xuất khẩu gỗ, những rào cản kỹ thuật vẫn là nỗi lo lớn cho các DN Việt nếu không nắm bắt các quy định toàn cầu để phát triển kinh doanh.
Riêng với thị trường EU, vốn dĩ là một thị trường lớn nhưng khó tính, trong FTA Việt Nam – EU cũng có một chương về xuất xứ, quy định tất cả các loại gỗ phải có đầy đủ hồ sơ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ… Vậy nhưng, có bao nhiêu DN Việt xuất khẩu đồ gỗ nắm bắt và đáp ứng được các quy định này thì vẫn là câu hỏi lớn.
Các quy định trong TPP cũng là thách thức cho DN gỗ Việt khi quy định nguồn nguyên liệu phải được nhập khẩu từ 12 nước thành viên. Trong khi đó, với ngành gỗ, các thị trường nhập khẩu phần lớn không nằm trong nhóm 12 nước TPP.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo, trước tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu tự nhiên như hiện nay, nếu không có lộ trình chuẩn bị thì trong tương lai DN Việt sẽ không đủ sức cạnh tranh tại thị trường thế giới.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ 20 tỷ USD vào năm 2025, vị lãnh đạo HAWA lưu ý vấn đề cần làm bây giờ là các DN Việt phải sớm đổi mới công nghệ thì mới có hy vọng mở rộng thị trường.
Nhưng trước hết, các DN cần sớm đáp ứng tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, loại bỏ những rủi ro trong sản phẩm gỗ xuất khẩu, bởi vì đầu vào (nguyên liệu gỗ, nguồn gốc gỗ hợp pháp) đòi hỏi các DN phải thể hiện được trách nhiệm xã hội và đảm bảo chất lượng sinh thái.
Trong khi đó, để cải tiến công nghệ, nguồn vốn vẫn là vấn đề nan giải với các DN xuất khẩu đồ gỗ. Ngoài ra, điều mong mỏi của DN vẫn là nguồn nguyên vật liệu đầu vào ổn định, chi phí cạnh tranh, đáp ứng sản xuất.
Như khuyến nghị của Ts Phạm Thị Thu Hằng, cần sớm có những chương trình hỗ trợ DN xuất khẩu đồ gỗ nắm bắt được những quy định toàn cầu, làm việc thường xuyên với những khách hàng toàn cầu và nâng cao năng lực, chất lượng sản xuất theo chuẩn quốc tế, cũng như có các dòng sản phẩm gỗ cao cấp cho những thị trường lớn khó tính.
Theo Tổng thư ký VCCI, để đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, dĩ nhiên các DN gỗ phải tìm kiếm được những nguồn vốn nhằm tiếp cận các công nghệ mới đó. Trong các chương trình hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa của Nhà nước cũng cần dành sự quan tâm lớn đến vấn đề này.
Thế Vinh