Theo quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 20/7/2005, tổng diện tích quy hoạch dự án khoảng 5.000ha, nằm trên địa phận 6 xã của huyện Long Thành bao gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước.
Đền bù tiền đâu?
Chủ trương xây dựng cảng HKQT Long Thành đã rõ, song theo ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, người dân mong muốn khi thực hiện bồi thường phải thỏa đáng, đẩy nhanh tiến độ triển khai, bởi trên thực tế, người dân đã chờ đợi hàng chục năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai dự án là hết sức khó khăn và phức tạp, vì vậy phải có sự lãnh đạo của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương…
Ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội trong việc bồi thường là bồi thường một lần, xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân trong vùng ảnh hưởng của dự án.
Tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị quy hoạch hai khu tái định cư, bố trí nơi ở cho người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng, bố trí xây dựng khu nghĩa trang ở xã Bình An với tổng giá trị 30,8 tỷ đồng. Dự án đầu tiên thực hiện khu tái định cư với mức bồi thường cho các khu tái định cư khoảng 5 tỷ đồng.
Theo ông Đức, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải thực hiện ngay từ bây giờ. Thời gian hết sức cấp thiết vì theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của bước 1 đối với 2.750 ha đất dự án và khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn để giao cho chủ đầu tư triển khai dự án cần có thời gian ít nhất 3 năm.
"Nếu chậm triển khai bồi thường, chắc chắn rằng bức xúc của người dân trong vùng dự án sẽ tăng lên và phát sinh những vấn đề mới mà chúng ta chưa lường tới. Thực tế, người dân không thể chờ đợi lâu thêm nữa", ông Đức cho biết.
Điều này cho thấy, dự án Long Thành trước mắt cần làm sớm công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, xây dựng trước khu tái định cư, ổn định tổ chức cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn vốn.
![]() |
Tiến độ dự án có thể bị ảnh hưởng vì công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Ts. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dù Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách, nhưng vấn đề là "tiền đâu?". "Ngân sách phải lo, nhưng chúng ta muốn 100, ngân sách chỉ lo được 30, 40, đây cũng là vấn đề thực tiễn mà tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT phải có giải trình rất cụ thể để dòng tiền tương thích với nhu cầu thực tế", ông Phước nói.
Trước khó khăn về nguồn ngân sách hiện nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng thừa nhận: "Ngoài nguồn ngân sách hiện nay, chúng ta cần tính đến cả phương án kêu gọi nguồn lực xã hội. Chúng ta không trông chờ vào ngân sách. Chính vì thế, điều này đòi hỏi UBND tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư, cần có nhiều chính sách và cơ chế để thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực. Đặc biệt trong việc xây dựng tái định cư và thu hồi đất."
Bù đắp thiếu hụt, cách nào?
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, ông Phước gợi ý, có thể dùng cách Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ví dụ như phát hành trái phiếu, tín phiếu mà gần 5.000 hộ dân sẽ là người mua. Ví dụ đền bù 3 tỷ đồng thì đưa trước cho người dân 1 tỷ, còn lại mua trái phiếu trả lãi, nhưng quyết định cuối cùng là người dân.
Tuy nhiên, với đề xuất của ông Phước, Ts. Trần Du Lịch, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM, lại nêu quan điểm: "Người dân muốn khi đền bù là tiền tươi thóc thật. Do vậy, đồng Nai có thể phát hành đi vay theo tiến độ đền bù, hàng năm số vay phải trả bao nhiêu thì khấu trừ vào phần phải nộp Trung ương".
Tuy nhiên, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các về đề Xã hội Quốc hội, lại cho rằng: "Toàn bộ nguồn lực là thẩm quyền của Chính phủ, các chuyên gia đề nghị Đồng Nai xin rút lại một phần ngân sách hàng năm để đầu tư cho vấn đề này thì đây không thuộc thẩm quyền của Đồng Nai. Nếu Đồng Nai xin giữ lại là phá vỡ cơ chế của quốc gia, bán trái phiếu, tín phiếu cho đối tượng chịu tác động của dự án là chưa hợp lý".
Thêm vào đó, ngoài vấn đề về vốn, ông Lịch cũng cho biết: "Tôi thấy đất Long Thành là đất nông nghiệp của dân, đất lâm trường của Nhà nước, các loại đất ở. Nhưng một đặc điểm không thể quên là ngoài đất của dân, đất đầu cơ của các nhà đầu cơ rất lớn, do đó chính sách đền bù phải khác nhau".
Đồng quan điểm, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cho rằng: "Việc tính giá đất bồi thường, dự thảo khung chính sách đã có quy định cụ thể theo điều 114 luật đất đai, nhưng công tác triển khai sẽ tiến hành như thế nào. Theo tôi, cần xã hội hóa trong việc định giá đất, huy động thêm các công ty tư vấn định giá đất. Cơ chế đặc thù có thể mời thêm các công ty tư vấn định giá đất uy tín".
"Đặc biệt, lộ trình để xây dựng hết 5 nghìn ha đất dài hàng chục năm và qua hai giai đoạn, vì vậy theo các chuyên gia, cần chú trọng chủ trương đền bù, lấy đất của người dân nhưng đừng để 10 năm sau mới làm. Lộ trình thực thi và việc lấy đất phải được tính toán như thế nào để không lãng phí", ông Chính khuyến nghị.
Các chuyên gia kiến nghị, với dự án Long Thành cần phải có một cơ chế đặc thù đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân.
Nếu một nghị định của Chính phủ không bao quát được các vấn đề trong việc xây dựng sân bay Long Thành thì cần có một văn bản cao hơn ở cấp Quốc hội.
Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Tỉnh đã tổ chức tham vấn ý kiến đại diện của 4.730 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án bằng phiếu khảo sát. Kết quả, 100% hộ dân và tổ chức đồng ý với chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, người dân mong muốn khi thực hiện bồi thường phải thỏa đáng, đẩy nhanh tiến độ triển khai, bởi trên thực tế người dân đã chờ đợi hàng chục năm qua. Ts. Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM ------------------------------- |
Lê Thúy