"Chương trình Đối tác Đổi mới - Sáng tạo" (Dự án IPP) được Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng tài trợ. Mục tiêu của IPP là đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp có thu nhập trung bình vào năm 2020, dựa trên nền kinh tế tri thức, sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội được hỗ trợ bởi một hệ thống sáng tạo, đổi mới quốc gia. KINH DOANH đã có cuộc trao đổi với PGs.Ts. Trần Quốc Thắng, Giám đốc IPP, về dự án này.
PGS. Ts. Trần Quốc Thắng, Giám đốc dự án IPP
----------------------------
Muốn tiếp cận được với IPP, doanh nghiệp cần phải có những tiêu chí gì, thưa ông?
Thứ nhất các doanh nghiệp phải có ý tưởng đổi mới sáng tạo, có quyết tâm nâng cao năng suất chất lượng cạnh tranh của sản phẩm; thứ hai, doanh nghiệp phải thể hiện cam kết thực hiện đổi mới sáng tạo; thứ ba, doanh nghiệp phải có đủ năng lực quản lý đổi mới sáng tạo và phát triển việc kinh doanh của doanh nghiệp mình; thứ tư, cam kết huy động từ nhiều nguồn, IPP chỉ hỗ trợ một phần trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo.
Theo ông, những ngành nghề hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thực sự tiếp cận được nguồn vốn này hay không?
Trong dự án của chúng tôi không loại trừ bất kỳ một ngành nghề nào, miễn sao dự án có tính khả thi cao. IPP hoạt động nhằm tăng cường môi trường thể chế, tăng cường năng lực và khả năng quản lý khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy quan hệ đối tác Nhà nước - tư nhân giữa Việt Nam và Phần Lan. Giai đoạn 1 của dự án kéo dài đến tháng 8/2012. Ngân sách ban đầu của dự án là 3 triệu Euro do Phần Lan đóng góp và 9,5 tỷ đồng từ phía Việt Nam. Sau khi có nguồn ngân sách bổ sung, số vốn sẽ được tăng lên hơn 5 triệu Euro.
Tuy nhiên, có một số lĩnh vực được IPP ưu tiên như công nghệ thông tin, sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tự động hóa cơ khí…
Cho đến thời điểm hiện nay, có bao nhiêu doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn này?
Thực chất dự án này chính thức hoạt động từ đầu năm 2010, giai đoạn đầu chúng tôi tập trung vào 2 cấu phần chính: hoàn thiện thể chế về hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quản lý từ trung ương đến địa phương. Số lượng doanh nghiệp tiếp cận về IPP thì nhiều, nhưng những dự án được phê duyệt triển khai vẫn còn ít, mới chỉ có 10 dự án đã ký hợp đồng.
Lý do không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này là bởi vì quan niệm về đổi mới sáng tạo, cách xây dựng dự án hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của IPP. Ngoài ra, cách đề xuất xin được tài trợ của IPP cũng không đúng với tiêu chí hỗ trợ, IPP chỉ hỗ trợ những ý tưởng sáng tạo, tạo ra "cú hích" khiến doanh nghiệp đưa ra được sản phẩm cụ thể có thể bán trên thị trường, một dịch vụ mới đặc thù phục vụ cho xã hội. Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp đề xuất, nhưng lại không liên quan nhiều đến việc đổi mới sáng tạo.
Việc "Đổi mới và sáng tạo" có thể kết thúc nhanh, nhưng cũng có những dự án phải kéo dài. Vậy tiền tài trợ cho doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi dự án này sẽ thế nào, thưa ông?
Khả năng tài chính của IPP không thực sự nhiều, do đó việc hỗ trợ của chúng tôi giống như một bước "chạy đà" cùng doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp phải biết huy động tối đa nguồn lực của mình từ vốn cho đến con người. IPP sẽ hỗ trợ một phần, một công đoạn nào đó chuyển từ ý tưởng đổi mới sáng tạo ra sản phẩm cụ thể, chẳng hạn IPP có thể hỗ trợ tư vấn chuyên gia, kết nối với doanh nghiệp đối tác, với các viện nghiên cứu và hỗ trợ một phần tài chính cho doanh nghiệp làm thử nghiệm những sản phẩm của mình.
Một doanh nghiệp có thể được nhận tối đa bao nhiêu tiền từ dự án này?
Doanh nghiệp có thể được IPP hỗ trợ đến 70% kinh phí để thực hiện ý tưởng. Một số dự án đã được phê duyệt ký kết thường trong khoảng từ 1 - 2 tỷ đồng/dự án.
Cách thức quản lý nguồn vốn này như thế nào?
Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi sẽ chuyển một phần kinh phí để doanh nghiệp triển khai, trong quá trình thực hiện sẽ được các chuyên gia giám sát để đánh giá và có thông tin dự án xem làm đến đâu, chi tiêu như thế nào, qua sự trao đổi đó nhằm kiểm soát việc chi đúng, chi đủ và chi có hiệu quả.
Chúng tôi có một hệ thống chuyên gia độc lập đánh giá, thẩm định dự án của các doanh nghiệp, như ý tưởng này khi hoàn thiện liệu có tốt hay không, chiếm lĩnh thị trường thế nào, phát triển bền vững ra sao... Trong quá trình xem xét, chúng tôi phải tìm hiểu thông tin về bản thân doanh nghiệp đó trong những năm trước kinh doanh thế nào, những thông số này đưa đến kết luận có nên hỗ trợ doanh nghiệp này hay không, đã đúng chỗ chưa.
Cụ thể, doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin từ những nguồn nào?
Đầu tiên, doanh nghiệp nên vào 2 trang website đang hoạt động của chúng tôi: ipp.gov.vn; trang web thứ 2 là một diễn đàn mở, tạo ra môi trường kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với trường đại học, với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đổi mới sáng tạo, kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Phần Lan tại địa chỉ oif.gov.vn.
Việt Nguyễn
KINH DOANH số 99, ra ngày 01/08/2011