UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, qua xem xét, UBND tỉnh thấy rằng Vedan Việt Nam là doanh nghiệp lớn tại Đồng Nai và đã được Tổng cục Hải quan xét công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.
Do đó, để tạo kiều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xem xét chấp thuận cho Vedan Việt Nam được nhập khẩu than trực tiếp để cung cấp cho sản xuất điện nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty và tạo việc làm ổn định cho công nhân tại Đồng Nai.
![]() |
Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng cho Vedan tự nhập than
Theo yêu cầu, các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than trực tiếp để cung cấp cho sản xuất điện phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 10/10/2016 công ty Hữu hạn Vedan Việt Nam (Đồng Nai) cũng có công văn xin Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Công Thương và Tổng cục Hải quan cho nhập khẩu than trực tiếp về phát điện thay vì qua các DN được chỉ định theo quy định của Chính phủ từ năm 2014. Lý do Vedan đưa ra là than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện.
Trong quá trình đầu tư và sản xuất, hàng tháng công ty này đều nhập than từ nước ngoài để sử dụng, trung bình mỗi tháng, công ty này nhập khoảng 31.500 tấn. Hiện Vedan Việt Nam đã thông qua chi nhánh Vedan tại Đài Loan ký hợp đồng dài hạn với Mitsui Group (Nhật Bản) để mua than đến hết tháng 3/2017.
Vì vậy, theo đại diện của Vedan, Thông tư 346 của Chính phủ quy định phải nhập than qua hai đầu mối chính là: Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoặc Tổng công ty Đông Bắc. nhưng họ chưa có thời gian tìm hiểu và làm việc với TKV và Đông Bắc vì liên quan đến nhiều yếu tố như chủng loại than, chất lượng, giá cả và vận chuyển… Do đó, xin Thủ tướng xem xét cho nhập khẩu than trực tiếp, thực hiện hết hợp đồng đã ký với đối tác.
Trong một diễn biến mới đây của ngành than, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, trong khi đó, ngành than cũng đang tồn kho 12 triệu tấn.
Tuy nhiên, Đại diện phía Bộ Công Thương thừa nhận, việc nhập khẩu than là tất yếu. Có đến 80% lượng than nhập về là để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện. Số than ngoại này bù cho phần than trong nước không đáp ứng được, chứ không phải để thay thế than sản xuất trong nước.
Theo dự báo, năm 2017, Việt Nam sẽ phải nhập 4 triệu tấn than cho điện và tăng dần qua các năm. Đến năm 2030 dự kiến sẽ nhập 7 triệu tấn than.
Lê Thuý