Với ngành xi măng, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, chia sẻ thị trường hứa hẹn phát triển trong Hiệp định CPTPP có thể là Chile, Mexico, Peru... nhưng khó khăn đối với những thị trường này là vấn đề vận tải, do vị trí rất xa.
Nhiều cơ hội còn bỏ ngỏ
"Tôi cho rằng cần đánh giá khách quan: Thứ nhất, những quốc gia có nhu cầu lớn về xi măng không phải cả 10 nước. Thứ hai, những quốc gia đang gặp khó khăn do khoảng cách xa, đặc biệt do giá tàu biển tăng cao trong 2 năm vừa qua cũng là một trong những trở ngại", ông Long chia sẻ.
Ngành xi măng vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội xuất khẩu từ thị trường CPTPP. |
Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia khắc phục được khó khăn từ COVID-19 nhưng các nước khác vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, nên đã ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ bản. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của xi măng hiện nay rất lớn, khiến giá thành tăng lên cao, dẫn tới việc bán trong nước và xuất khẩu đều khó khăn.
Cụ thể, việc giá than đang ở mức rất cao đã làm cho giá thành sản xuất xi măng tăng lên khoảng 10-15 USD/tấn sản phẩm. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp hiện nay, nếu họ tiếp tục sản xuất và bán hàng sẽ lỗ. Bởi giá tăng như vậy nhưng giá xuất khẩu không thể tăng được.
Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng, trong tháng 5-6 vừa qua, lượng xuất khẩu xi măng so với cùng kỳ năm ngoái chỉ bằng 50%. Đây là khó khăn chung, ảnh hưởng đến xuất khẩu sang các nước CPTPP.
Cụ thể như năm 2021, tổng lượng xuất khẩu đến khu vực CPTPP chỉ tăng 4,7%, trong đó năm cao nhất là 2018, tổng lượng xuất khẩu đến khu vực này đạt mức tăng trưởng gần 21%, con số sụt giảm rất mạnh.
Nhưng về mặt tổng thể, theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này 5 tháng năm 2021 đạt 18,08 tỷ USD).
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho rằng phải nhìn nhận một thực tế là trong tổng giá trị xuất khẩu, đóng góp của khu vực FDI là tương đối lớn. Ví dụ đối với thị trường Canada, nếu tính cả dệt may, da giày, đồ gỗ thì khu vực FDI đóng góp tới gần 80% giá trị xuất khẩu. Trong khi sản phẩm dệt may, da giày, gỗ nội thất của doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 5% giá trị xuất khẩu. Khu vực công nghiệp nội địa đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu đối với các sản phẩm nhựa, cao su, sắt thép, nhôm, hóa chất, gốm sứ (khoảng 11%)
Bên cạnh đó, hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu vẫn còn chưa cao (ví dụ các sản phẩm nông thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm đông lạnh…), dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường.
Mặt khác, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP còn gặp trở ngại như khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận tải cao, thời gian vận chuyển kéo dài cùng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường. Lấy ví dụ như thị trường Canada đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao, cùng với đó là các yêu cầu trong quy trình sản xuất như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường, tiêu chuẩn lao động…
"Tôi cho rằng thời gian tới bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm của Việt Nam, hướng tới sản phẩm xanh, bền vững. Luôn tìm hiểu cái gì thị trường cần với phương châm “không bán cái ta có mà phải bán cái thị trường cần”, bà Anh khuyến nghị.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ký được hiệp định là một thuận lợi lớn, nhưng không phải ký được rồi thì tự nhiên các cơ hội sẽ đến, nếu không tiếp cận được bạn hàng và có những đối tượng khác quan tâm ở các quốc gia thành viên. Đây là khâu mà chúng ta phải đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
Mặc dù hiện nay kết quả đang khá tốt, nhưng ông Hải cho rằng tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.
"Trong hai năm vừa qua, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực cũng là thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giao thương, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp bạn", ông Hải đánh giá.
Do vậy, đến thời điểm này, khi dịch bệnh được kiểm soát tương đối, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, làm sao đi vào hiệu quả, chiều sâu và đặc biệt có tính chủ động hơn nữa. Doanh nghiệp cần chủ động trong việc kết nối và tìm kiếm, giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, thay vì chỉ đợi doanh nghiệp nước ngoài tìm đến, tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Võ Hồng Anh chỉ rõ ra những cơ hội mà doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ lỡ từ CPTPP. Đó là 4 nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ đều là các nền kinh tế có độ mở cao với mạng lưới FTA rộng khắp. Chẳng hạn, Canada có 15 FTA, Mexico có 13 FTA, Chile 29 FTA, Peru có 22 FTA. Với mạng lưới FTA rộng rãi như vậy, DN Việt Nam có thể tận dụng những mối liên kết này để tiếp cận các thị trường mà 4 nước này có quan hệ FTA.
Tất nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản là chúng ta xuất khẩu hàng hóa sang Canada hay Mexico để từ đó xuất khẩu tiếp sang Hoa Kỳ hay xuất khẩu hàng hóa sang Chile để thâm nhập sang khối Thị trường chung Nam Mỹ. Câu chuyện sẽ không đơn giản vì mỗi FTA có một quy tắc xuất xứ riêng biệt.
Lời khuyên của bà Anh dành cho các doanh nghiệp Việt Nam là cần cần xem xét khả năng hợp tác sản xuất với các nước đối tác CPTPP. Ví dụ, Việt Nam xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc sản phẩm sơ chế, sau đó thực hiện gia công hoàn thiện sản phẩm tại nước bạn nhằm thỏa mãn điều kiện về quy tắc xuất xứ của FTA mà bạn có với một nước thứ 3 và thực hiện xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xem xét tận dụng hệ thống hạ tầng thương mại của các nước thông qua hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối của đối tác. Ví dụ ở Bắc Mỹ có hệ thống Walmart, Costco… hay hệ thống bán lẻ Fallabella, Sodimac, Cencosud ở Mỹ Latinh, trở thành nhà cung cấp cho họ để nâng cao sự hiện diện của hàng hóa Việt ở khu vực này.
Thy Lê