Tại Hội thảo “Phát triển nền kinh tế số hóa – Thế giới không chờ chúng ta” ngày 23/10, Gs. Nguyễn Đức Khương, Đại học IPAG (Pháp), thành viên của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh: Thế giới đang quan tâm tới cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số đang trở thành trọng tâm mà các quốc gia hướng tới.
“Kinh tế số đang làm thay đổi cách vận hành của mỗi DN. Vì vậy, hàng loạt quốc gia coi kinh tế số là chiến lược, là động cơ tăng trưởng kinh tế. Ước tính tăng trưởng kinh tế trung bình 2,5%, nhưng tăng trưởng số hoá gấp bốn lần, gần 10%”, Gs. Khương nói.
Nguy cơ “tụt hậu”
Tại Việt Nam, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải, hay Facebook, Viber trong lĩnh vực thông tin truyền thông, đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Tuy nhiên, họ cũng gây ra mâu thuẫn với mô hình DN truyền thống.
Chính vì vậy, theo ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư công nghệ, Quỹ VinaCapital, Việt Nam đang có đầy đủ nền tảng công nghệ để phát triển kinh tế số.
Số người sử dụng mạng Internet tăng 10%, số người dùng mạng xã hội tăng 25%, số người sử dụng smartphone tăng 5%. “Dân số Việt Nam ngày càng gia nhập thời đại số, tăng nhanh hơn cả tăng trưởng dân số”, ông Phúc đánh giá.
Thống kê cũng cho thấy Việt Nam đang dẫn đầu trong nhóm 6 nước khu vực gồm: Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan về số công việc tuyển dụng liên quan đến lập trình. Điều này nói lên kinh tế số đang phát triển ở Việt Nam.
Mặc dù đang phát triển số hóa rất mạnh nhưng theo ông Phúc, DN Việt Nam có nguy cơ thụt lùi. Khảo sát nghiên cứu 50 nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, của trường Đại học Fletcher, Việt Nam vào nhóm đột phá, phát triển nhanh. Hai năm sau, vào năm 2017, Việt Nam đã có dấu hiệu bị thụt lùi.
Sự xuất hiện của các DN công nghệ đã khiến thị phần của DN Việt Nam bị đe dọa. Ví dụ, Grab, Uber đe dọa thị phần của các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh; Airbnb đe dọa các khách sạn; Alibaba, Lazada đe dọa Sendo, Thế giới di động; Amazon đe dọa Tiki.vn…
Gs. Khương cũng nhìn nhận rằng cái thuận lợi của kinh tế số tương đối rõ nhưng thách thức không hề nhỏ vì kinh tế số sử dụng mô hình mới, mà chúng ta chưa biết cách điều phối, chưa biết cách kết hợp với mô hình cũ đã và đang vận hành.
Đó chính là thách thức về cách thức điều phối. Gs. Khương cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng bước vào kinh tế số nhưng cần đi với tốc độ cao hơn, tiếp cận thế giới nhanh hơn. Bởi vì kinh tế số sẽ xác lập luật chơi mới trên thị trường.
“Kinh tế số đang thay đổi cuộc sống, cách làm việc, suy nghĩ, tạo ra luật chơi mới, yêu cầu DN, chủ thể tham gia vào phải có sự sáng tạo, thích ứng nhanh với thị trường”, Gs. Khương nhận định.
Với luật chơi đó, DN phải xây dựng được nền tảng kinh tế số hóa tại DN của mình, tại quốc gia của mình. Một khi DN trên thế giới chuyển sang số hóa trong mọi công việc, phương tiện liên lạc, truyền thông vận hành của họ đều nằm trong công nghệ phụ trợ, nếu không nằm trong đó, DN Việt sẽ không phải là đối tác của họ.
Kinh tế số hóa sẽ xác lập luật chơi mới trên thị trường
Sáng tạo để “sống sót”
Ts. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng nhóm Chính sách Kinh tế, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam, lại nhận xét rằng kinh tế số của Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là ở khung pháp lý.
“Những câu chuyện lùm xùm xung quanh việc các hãng taxi công khai phản đối Uber và Grab, sự lúng túng của các cơ quan chức năng trước tiền ảo, hay các start-up Việt sang Singapore khởi nghiệp phản ánh rõ sự cần thiết trong việc cải cách khung luật ở Việt Nam”, ông Hải dẫn chứng.
Song ở góc độ khác, Gs. Khương cho rằng hành lang pháp lý của kinh tế số có lẽ cần độ trễ nhất định. Chúng ta không nhất thiết phải xây dựng hành lang pháp lý quá chặt vì nó sẽ bó hẹp sự sáng tạo của DN trong đó.
Quan trọng hơn, cần xây dựng luật chơi đảm bảo cho DN sáng tạo, hoạt động trong đó, để đảm bảo công bằng giữa các loại hình DN khác nhau.
“Người xây dựng hành lang pháp lý cần quan tâm tới các loại hình kinh doanh mới này ngay từ đầu, sau đó định hướng xây dựng luật. Nếu không quan tâm, luật sẽ chậm, không sát với môi trường thực tiễn. Ở các quốc gia phát triển, hành lang pháp lý của họ cũng đi sau mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số hóa”, Gs. Khương khuyến nghị.
Bên cạnh đó, để DN Việt tận dụng được các cơ hội từ kinh tế số, ông Phúc đề nghị Chính phủ “khẩn cấp, khẩn trương” giúp các DN nhỏ và vừa kết nối với ứng dụng công nghệ.
“Muốn phát triển kinh tế số, mọi lĩnh vực phải tự động hóa vì tự động hóa sẽ giúp DN giảm chi phí, áp dụng công nghệ mới có thể tiếp cận khách hàng trong nước”, ông Phúc nói.
Đồng thời, DN và Nhà nước cần phải tự động hóa mạnh hơn. Cần có chính sách để hợp tác giữa các công ty trong nước với công nghệ ảnh hưởng tới các ngành trong nước như ngân hàng, tài chính, nông nghiệp…
Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách như: giảm thuế, đầu tư để giúp các công ty trong nước chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Gs. Khương cho rằng quy chuẩn trong cuộc chơi này đã xác lập, chúng ta phải chơi theo luật chơi của họ. DN cần tìm ra giải pháp giảm chi phí, có sản phẩm sáng tạo hướng tới thị trường và tham gia luật chơi của họ. “Rõ ràng, các nền kinh tế trong tương lai có thế mạnh lớn nhất là con người và tri thức, nếu không có được điều này, chúng ta không thích ứng với điều kiện mới”, Gs. Khương nhấn mạnh.
Như vậy, trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng những công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài để giúp các DN Việt Nam đủ tính cạnh tranh khi nền kinh tế Việt Nam tham gia ngày càng bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các vấn đề nêu trên không chỉ là áp lực, thách thức, hay cơ hội phát triển cho riêng DN hoặc một ngành nghề nào tại Việt Nam, mà trên hết, đây là bài toán chiến lược với Chính phủ Việt Nam, là giai đoạn then chốt đưa ra những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu trong khi nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị cả về chiến lược cũng như mạnh dạn dấn bước cho một sự chuyển đổi số ở cấp quốc gia.
Lê Thúy
Gs. Nguyễn Đức Khương - Đại học IPAG (Pháp), thành viên của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng khung pháp lý cho kinh tế số. Vì vậy, cần có chiến lược cụ thể về kinh tế số, xây dựng khuôn khổ cho vấn đề này một cách tổng thể, phù hợp với tầm nhìn xa, sâu rộng. DN nhỏ muốn phát triển, muốn trở thành tập đoàn cần có thói quen tốt, đó là luôn tìm tòi, cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ quản lý của mình. Khi đó, vấn đề nghiên cứu phát triển đi đầu dẫn đường, giúp DN tránh khỏi chuyện bất trắc dẫn tới phá sản. Người “sống sót” không phải mạnh nhất, “khỏe nhất”, mà là người có khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh tự nhiên. Điều quan trọng bây giờ là những chính sách và đầu tư cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ, kiến tạo trong thời gian sớm nhất với một lực lượng lao động chất lượng cao, vừa tận dụng được tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin, vừa đảm bảo hài hòa xã hội. |