Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và tăng thêm trong năm 2016 với nhận định: số DN thành lập mới tăng kỷ lục chưa từng có, đạt 110.100 DN, tăng 16,2% và số vốn tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập cả năm 2016 đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015.
Như vậy, tổng số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động cả năm là 136.800 DN, tổng số vốn bổ sung và tăng thêm cho nền kinh tế là khoảng 2,5 triệu tỷ đồng.
Nhiều DN “chết yểu”
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đánh giá đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của DN Việt Nam những năm gần đây. Điều đó cho thấy “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2016 của cả nước là 12.478 DN, tăng 3.011 DN so với cùng kỳ năm trước (31,8%).
Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, bên cạnh các điều kiện thuận lợi của khung khổ chính sách mới và những cơ hội mở ra trong thời kỳ đất nước hội nhập, những hạn chế cố hữu chưa được giải quyết triệt để vẫn là rào cản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước và đây chính là nguyên nhân khiến số doanh nghiệp giải thể tăng cao.
![]() |
Số DN thành lập mới tăng kỷ lục chưa từng có
Thống kê theo quý, số DN giải thể trong quý IV/2016 là 4.113 DN, tăng 43,9% so với quý III/2016; so với quý II/2016, tăng 58,9%; so với quý I/2016, tăng 40,9% và so với cùng kỳ năm 2015, tăng 64,2%.
Đáng chú ý, theo loại hình DN, trong tổng số DN giải thể của cả nước trong năm 2016 có 4.901 công ty TNHH một thành viên chiếm 39,28%; có 3.768 công ty TNHH nhiều thành viên chiếm 30,20%; có 2.174 DN tư nhân chiếm 17,42%; có 1.632 công ty cổ phần chiếm 13,08% và có 03 công ty hợp danh chiếm 0,02%. Điều này cho thấy rằng DN tư nhân, hộ gia đình, cá thể vẫn là nhóm bị ngừng hoạt động, phá sản nhiều nhất.
Ngay trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, theo con số thống kê, hơn 80% nhà hàng, quán café mở ra hoạt động khó khăn hoặc thua lỗ trong 6 tháng đến một năm đầu tiên.
Trong một hội nghị về dự báo kinh tế Việt Nam 2017, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết mục tiêu rất quan trọng của Chính phủ, Quốc hội lần này là làm cho các DN tư nhân mạnh hơn, cạnh tranh hơn.
Đối mặt muôn vàn khó khăn
Tuy nhiên, dẫn ra báo cáo của đại học Fullbright trước đó, ông Đậu Anh Tuấn cho biết nền kinh tế Việt Nam đang có 4 động cơ, tuy nhiên, 3 động cơ đang trục trặc, chỉ có mỗi FDI là mạnh.
Dù vậy, thời gian tới, FDI có duy trì được hay không thì rất khó đoán định. Theo nhiều nghiên cứu, khảo sát, vốn FDI_đổ vào Việt Nam là bởi các nhà đầu tư tìm kiếm chi phí rẻ.
Trong khi đó, bức tranh kinh tế DN tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại bởi quy mô của DN tư nhân Việt Nam đang ngày càng nhỏ đi, hoạt động không hiệu quả.
Cụ thể, nếu như lao động bình quân một DN năm 2009 là hơn 40 người thì đến năm 2015, chỉ còn 26 người. Cũng theo khảo sát, 58% DN tư nhân không có thu nhập để nộp thuế. Các chỉ số khác cũng đang rất đáng ngại, như là việc xuất khẩu dù tăng trưởng nhanh, nhưng xuất đi được 10 đồng thì 8 đồng thuộc khu vực có vốn nước ngoài, chỉ có 2 đồng thuộc DN nội, trong khi 4 năm trước, tỷ lệ này là 50/50.
Điều tra của VCCI cũng cho thấy, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DNTN chỉ chiếm được 30%, trong khi các DN khác tiếp cận lên tới 70%.
“Phải chăng Nhà nước đang dành nhiều ưu đãi cho các DN lớn. Chúng tôi cho rằng phải tháo gỡ các cản trở cho DNTN đang gặp phải để họ có cơ hội kinh doanh và có lãi”, ông Tuấn đề xuất.
Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi, có phải các DN Việt Nam mãi không chịu lớn; Các DN ngày càng suy giảm về năng lực và hiệu quả…
Một trong những nguyên nhân là “hiện nay, hơn 40% DN vừa và nhỏ vẫn đang phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các cơ quan quản lý nhà nước”, báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết.
Đây là tình trạng không mới, khiến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trở nên xấu đi. Không DN nào hài lòng với chi phí ngầm nhưng đây lại là vấn đề không dễ dàng có thể loại bỏ._
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguyên nhân chính của việc các DN chấp nhận những khoản chi phí không chính thức là do tâm lý muốn nhanh được việc và do thái độ làm việc của một số cán bộ công chức cố tình gây nhũng nhiễu, làm khó DN.
Cảm nhận về vai trò kiến tạo của Chính phủ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, chia sẻ: Khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về DN tư nhân có nhấn mạnh về Chính phủ vì dân, Chính phủ kiến tạo, làm cho các DN tư nhân rất phấn khởi, nhất là trong lúc khó khăn chồng chất – đây là sự động viên rất hữu ích, làm động lực cho các DN tư nhân vươn lên.
Tuy nhiên, “Tôi cho rằng, khó khăn trong DN tư nhân vẫn đang rất chồng chất, các DN thực ra đang rất khổ sở vì nhiều vấn đề. Chính phủ kiến tạo giúp DN phát triển thôi chưa đủ, mà các DN cũng cần phối hợp với Chính phủ kiến tạo, nói lên suy nghĩ mong muốn và vướng mắc của mình”, ông Bình gợi mở.
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Nếu chỉ nhìn vào hệ thống pháp luật chính sách bề ngoài thì rất đẹp khi luôn có cụm từ "bình đẳng". Song xuống tới nghị định, thông tư thì khác nhau một trời một vực giữa cam kết chung với thực tiễn. Chính sách ở các khâu này tạo nên sự rối rắm, thậm chí như trận đồ bát quái. Đến khâu thực thi thì tôi cảm giác rằng bất kỳ công chức nào cũng có quyền hành hạ DN. Ts. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Để DN tư nhân hoạt động hiệu quả, cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền kinh doanh công bằng. Hiện tại, chính sách ban hành ra đang chỉ dành cho các ông lớn mà các DN nhỏ khó tiếp cận. Nếu không có các DN nhỏ thì sao có các DN lớn. Nếu cứ tập trung vào DN lớn thì tạo sức ép lên DN nhỏ, tạo cho họ không có động lực phát triển. Ngoài ra, cũng cần cơ cấu, định vị lại từng DN để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. DNNN, DNTN nên có sân chơi để chứng tỏ lại vị thế của mình. |
Lê Thúy