Trước thông tin gần đây về việc quỹ đầu tư CDH Investments của Trung Quốc đàm phán mua một số cổ phần (5 - 10%) của chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh thuộc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), luật sư Đào Tiến Phong (Công ty Tư vấn InvestPush) cho rằng, các nhà đầu tư của Trung Quốc đang quan tâm đến thị trường bán lẻ của Việt Nam vốn rất “hot” và sôi động, đặc biệt là mảng bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử. Họ vào nước ta để thúc đẩy các thương vụ M&A và làm khá nhiều.
Động lực lớn để rót vốn
Là người có bề dày kinh nghiệm tư vấn cho nhiều thương vụ M&A giữa nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp (DN) Việt, ông Phong cho biết nhu cầu M&A như kể trên là rất lớn, sẽ còn tiếp diễn chứ chưa thể dừng. Những DN tiêu dùng nào có sẵn hệ thống phân phối thì rất dễ “làm giá” trước nhà đầu tư.
Giới đầu tư Nhật vẫn đang dành sự quan tâm lớn đến các thương vụ M&A trong ngành hàng tiêu dùng và phân phối ở Việt Nam. |
Cũng theo ông Phong, không chỉ với giới đầu tư Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài khác đang có những đánh giá về thị trường bán lẻ Việt rất tích cực và họ đang vào Việt Nam khá nhiều.
“Tôi đang tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và mảng tiêu dùng, phân phối được họ quan tâm khá nhiều”, vị luật sư này chia sẻ.
Còn theo Ts. Nguyễn Tuấn Anh, một chuyên gia về tài chính thuộc Đại học RMIT, từ câu chuyện CDH Investments đang muốn một số cổ phần của Bách Hóa Xanh, nếu thành công thì có thể nói đây sẽ là thương vụ tiêu biểu trong năm 2024 này. Nhà đầu tư ngoại đang nhắm đến những DN có chiến lược ổn định lâu dài và đặc biệt là tập trung vào ngành hàng tiêu dùng nông sản thực phẩm.
Vị chuyên gia này dự đoán năm 2024 và trong tương lai ngắn hạn thì thị trường M&A tại Việt Nam sẽ rất sôi động. Nguyên do là một số DN trong nước cần tái cấu trúc nên họ muốn gọi vốn bán tài sản và vì đứng trước áp lực về tài chính như hồi năm rồi.
Chia sẻ tại cuộc hội thảo ở Tp.HCM vào ngày 12/3 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức để bàn về ngành hàng tiêu dùng và phân phối trước xu hướng M&A và chiến lược đầu tư gọi vốn cho DN Việt Nam, Ts. Nguyễn Tuấn Anh đưa ra dẫn chứng về việc những năm gần đây các DN Nhật Bản tham gia rất mạnh vào các thương vụ M&A, trong đó có các thương vụ ở ngành hàng tiêu dùng và phân phối.
Đơn cử như Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là CTCP Đại Tân Việt (New Viet Dairy).
Như lý giải của vị chuyên gia của RMIT, do đồng Yên của Nhật mất giá trong 5 năm trở lại đây, là động lực rất lớn cho giới đầu tư Nhật để tiếp tục rót vốn vào các cuộc thâu tóm tại thị trường Việt Nam - được xem là lựa chọn an toàn.
Trước xu hướng M&A như hiện nay, câu hỏi đặt ra là các DN nội địa trong ngành hàng tiêu dùng và phân phối cần chuẩn bị tâm thế gì ?
Ts. Nguyễn Tuấn Anh có đưa ra khuyến nghị cho các DN Việt trong ngành hàng tiêu dùng và phân phối trên bước đường gọi vốn, đó là xu thế lớn về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) sẽ ngày càng tăng cao hơn, là yếu tố chính yếu thúc đẩy các thương vụ M&A trong tương lai. Tức là khi thực hiện M&A, giới đầu tư ngoại sẽ rất chú ý đến yếu tố này.
Làm sao vừa không “bán mình” vừa nâng vị thế?
Thực ra, trong quá khứ các nhà đầu tư không có những quy định hoặc trong luật cũng không đưa ra các quy định nhất định về yếu tố ESG trong các thương vụ M&A. Tuy nhiên, xu thế mới hiện nay là giới đầu tư ngoại yêu cầu phải có ESG trong quá trình thẩm định thì họ mới có thể xúc tiến mua cổ phần.
Hơn nữa, trong báo cáo tài chính của các DN Việt ở ngành hàng tiêu dùng và phân phối cần thể hiện rõ là liệu có những khoản nợ xấu hay chi phí vay quá cao hay không, hay là huy động vốn từ trái phiếu có lãi suất cao. Khi các nhà đầu tư ngoại nhìn vào bảng cân đối kế toán của DN sẽ đánh giá xem liệu đây có phải là thương vụ có lợi đối với họ hay không?
Chẳng hạn như một số DN tiêu dùng có thể tự định giá rất cao. Tuy nhiên, khi họ định giá cao thì yêu cầu của nhà đầu tư ngoại cũng sẽ cao lên trong báo cáo tài chính và trong các bảng cân đối kế toán của DN, là liệu DN có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không trước khi nhà đầu tư đưa ra mức giá mà hai bên có thể đồng ý với nhau.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, một yếu tố khác là liệu những DN tiêu dùng và phân phối ở Việt Nam có sẵn sàng kết hợp liên doanh hay không, hay là chấp nhận “bán mình”. Hoặc là khi DN có kế hoạch M&A thì nên có cơ cấu cổ phần hóa trước để thuận tiện về mặt pháp lý và tránh rủi ro về thuế. Và các DN nếu chỉ có ý định bán một phần thì nên chú ý đến chiến lược “chống pha loãng” để tránh bị thâu tóm toàn công ty.
Hơn thế nữa, trước khi tính đến chuyện mời gọi góp vốn thì các DN nội địa ở ngành hàng tiêu dùng và phân phối cũng nên tự vấn là khi nhà đầu tư ngoại mua cổ phần của họ rồi thì sẽ thay đổi như thế nào, quản trị ra sao, kỳ vọng như thế nào?
Trước xu thế M&A trong ngành tiêu dùng và phân phối, một vấn đề không kém quan trọng cũng nên được đặt ra là khâu chính sách nên có những hỗ trợ gì để các DN nội địa ở lĩnh vực này vẫn có thể làm chủ được DN và vẫn gọi vốn được mà không phải “bán mình”.
Về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu như DN nội địa tìm được nhà đầu tư chung sức chung tay để cùng nhau phát triển bền vững phát triển lâu dài, giúp tăng cường năng lực cho DN trong nước thì rất đáng để ủng hộ. Còn nếu như DN nội địa “bán mình”, muốn “bán đứt”, rút khỏi thị trường, nhường sân chơi cho giới đầu tư ngoại thì sẽ là điều thật sự đáng lo ngại.
Chính vì vậy, theo bà Lan, dẫu cho các DN nội địa đang cần tìm kiếm các nhà đầu tư mới, tìm kiếm các nhà đầu tư từ nước ngoài thì điều cần hơn nữa là chính sách vĩ mô phải tốt để trong quá trình M&A thì DN Việt vừa không “bán mình” và vừa có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài và giúp nâng cao vị thế của DN Việt.
Thế Vinh