Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc đối thoại giữa Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính về những kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) liên quan tới Nghị định 38 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm – ATTP) vừa diễn ra.
Nhiều vướng mắc hành chính
Tại buổi đối thoại giữa các bộ, ngành với DN thủy sản, đại diện cho cộng đồng DN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP đã nêu rất nhiều kiến nghị liên quan tới Nghị định 38, đáng chú ý về thủ tục, thời gian làm hồ sơ công bố hợp quy, Nghị định này có quy định trong vòng 15 ngày sẽ cấp giấy thông báo đang gây khó khăn, bức xúc cho DN.
Ông Nam cho biết, thực tế đang xảy ra hai vấn đề. Thứ nhất, việc DN nộp và chờ 15 ngày, tới sát 15 ngày, khi DN lên hỏi mới nói là hồ sơ không đạt, làm lại từ đầu tính lại từ ngày thứ nhất.
Thứ hai, về Luật ATTP, bản chất là DN và người dân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, làm bản tự công bố, gửi cơ quan thẩm quyền.
Bộ Y tế chỉ thông báo đã tiếp nhận nhưng hình thức này là cấp giấy chứng nhận công bố. Do đó, chúng tôi đề nghị trước hết, sửa Nghị định 38 xuống còn ba ngày và quy định quá trình thực thi sao cho không có tắc nghẽn.
Trước kiến nghị của DN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm thông và cho biết rằng khi đi khảo sát nhiều nơi, thực tế có tình trạng nhận hồ sơ nhưng không xem ngay và gần ngày mới thông báo những điểm không hợp lệ tới DN, người dân để làm lại.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, giải thích, luật quy định, trong vòng 15 ngày phải công bố, trả lời cho DN về việc tiếp nhận công bố hợp quy ATTP của DN là hợp lý vì cần phải có thời gian thẩm định, kiểm tra, đối chiếu, so sánh.
Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, trả lời rằng bản chất cơ quan quản lý không chỉ nhận nộp hồ sơ mà phải căn cứ đối chiếu từng danh mục chỉ tiêu về phụ gia thực phẩm, hàm lượng kim loại nặng, các chỉ tiêu kiểm nghiệm có phù hợp hay không.
Song trước câu hỏi tỷ lệ hồ sơ phải trả lại chiếm bao nhiêu phần trăm, ông Phong khẳng định tỷ lệ phải sửa của DN là rất lớn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng ở các nước phát triển, mặc dù hồ sơ xem xét rất lâu, phức tạp nhưng thành phần hồ sơ được minh bạch hóa tối đa, gồm những hồ sơ nào, cách trình bày rất dễ hiểu, dễ điền thông tin…
Còn ở Việt Nam, theo Thứ trưởng Khánh, quy định DN có năng lực đảm bảo sản phẩm sản xuất là sạch, thành phần hồ sơ chứng minh bảo đảm ATTP, đưa lên chứng từ mỗi DN chứng minh một kiểu.
“Hơn nữa, có hai thời hạn, thời hạn thứ nhất đủ hồ sơ chưa và thời hạn xem xét hồ sơ đã đủ rồi là bao lâu. Ví dụ thời hạn 15 ngày với một số công chức không thực sự thành tâm với DN, họ đợi 15 ngày rồi nói không đủ”, ông Khánh chỉ ra bất cập.
Kinh nghiệm thứ hai được ông Khánh chỉ ra là ở những nước phát triển, DN sản xuất không tự đi làm các thủ tục. Như khai hải quan, có rất nhiều công ty khai thuê hồ sơ chuyên nghiệp, khi nộp vào không có chuyện bị trả lại. Về lĩnh vực thuế cũng như vậy. Trong khi lĩnh vực ATTP sẽ ngày càng phức tạp, đất nước càng phát triển, người dân càng quan tâm tới vấn đề vệ sinh ATTP nên hồ sơ càng ngày phức tạp… Do vậy, DN Việt khó làm được nếu không có phòng ban chuyên sâu về lĩnh vực này.
![]() |
Nhiều vướng mắc liên quan tới thủ tục hành chính đã được DN thủy sản “điểm mặt, đọc tên”
Lo chi phí phát sinh
Tiếp kiến nghị của DN, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, đánh giá rằng sự hỗ trợ của các bộ đối với DN thủy sản thời gian qua vẫn chưa đủ so với nhịp phát triển thị trường.
Ông Hòe tha thiết mong giảm thêm được thời gian làm thủ tục bằng cách tăng cường thời gian hoạt động chuẩn bị hơn, bởi nhiều khi sản phẩm đưa về rồi lại mất thêm 45 ngày để thực hiện thủ tục đưa ra thị trường, sẽ rất ảnh hưởng đến DN, vấn đề kinh doanh, lãi suất.
“Cái này cần quy định cụ thể từ phía cơ quan, thời gian tiếp nhận. Chúng tôi thống nhất là phải cho thời gian cụ thể ngày nộp hồ sơ vào rồi sau đó xét tiếp, nếu cái nào cần thiết, ta cứ cấp sau đó hậu kiểm hoặc xếp loại DN”, ông Hòe kiến nghị. Đại diện công ty Chế biến thực phẩm Đông Đô cho biết, Nghị định 43 mới ban hành về nhãn mác hàng hóa vừa ra đời nhưng thời điểm có hiệu lực rất nhanh, trong vòng 47 ngày từ khi ban hành đến khi có hiệu lực. Song, DN cần thời gian dài hơn để chuẩn bị thực hiện theo quy định vì có gửi văn bản hỏi cơ quan chức năng nhưng rất lâu sau mới nhận được trả lời hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý. Trong khi đó, nhiều đoàn kiểm tra chỉ căn cứ vào nghị định nên DN dễ bị xử phạt.
Đại diện VASEP cũng nêu một số kiến nghị liên quan đến công chứng, theo phản ánh của một số DN, phí công chứng quá cao. Một DN làm hợp đồng thế chấp cần phải có công chứng bị tính phí là 40 triệu đồng, làm cho chi phí DN tăng cao. Trong khi đó, trước đây phí công chứng tối đa chỉ là 10 triệu đồng cho mỗi hợp đồng công chứng.
Trước vấn đề này, đại diện Bộ Tư Pháp cho biết, công chứng không chỉ ký và đóng dấu, nếu chỉ ký và đóng dấu thế là cao, nhưng để ký và đóng dấu, phải kiểm tra rà soát xem tài sản đã cầm cố thế chấp ở đâu chưa, chủ sở hữu là ai. Trong bối cảnh ở Việt Nam chia sẻ thông tin khó khăn, chưa cập nhật thông tin về bất động sản, nên chí phí bỏ ra lớn.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ rà soát lại. Ngoài ra, công chứng giao dịch liên quan tới cầm cố thế chấp nghĩ cho cùng là phục vụ kinh doanh của ngân hàng, bảo đảm kinh doanh của ngân hàng nên đề nghị Hiệp hội có ý kiến để phía ngân hàng chia sẻ một phần chi phí công chứng”, đại diện Bộ Tư pháp đề xuất.
Lê Thúy
Ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ Là người theo dõi trực tiếp, khi xem xét một số vấn đề, tôi thấy có rất nhiều vấn đề các bộ báo cáo đã hoàn thành, nhưng thực chất mới có văn bản trả lời hoặc có văn bản theo đúng thời hạn trong khi nội dung có rất nhiều vấn đề DN vẫn không thông, vẫn tiếp tục kiến nghị. Do đó, buổi làm việc này cũng là một hình thức tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19 với các bộ, ngành. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP Chúng tôi chỉ kiến nghị về góc độ thủ tục. Còn quy định, chúng tôi chấp hành bởi vì đó là việc an toàn cho sức khỏe con người. Thủ tục giúp DN có thể làm nhanh nhất trong điều kiện có thể để trên cơ sở đó bảo đảm điều kiện kinh doanh thuận lợi cho DN. Nhiều khi có vấn đề trục trặc về thủ tục kéo dài thời gian sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của DN. Ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế Kiến nghị thứ nhất của VASEP về việc bỏ toàn bộ quy định công bố phù hợp theo Nghị định 38, căn cứ Luật ATTP là kiến nghị hợp lý. Về đề nghị đơn giản hóa hồ sơ đăng ký tiếp nhận và trả lời công bố kết quả theo Nghị định 38, hiện nay Bộ đã và đang áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, tất cả đều có thể đăng ký trên môi trường mạng. |