Trước tình hình xuất khẩu (XK) có nhiều khả quan cho ngành hàng thực phẩm trong thời gian gần đây, chính vì thế, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Trưởng Phòng xuất nhập khẩu CTCP thực phẩm Bình Tây, cho biết dự kiến trong năm 2025 sắp tới công ty định hướng là năm của hoạt động XK. Do đó, công ty sẽ đẩy mạnh nhiều nhân sự để tiếp cận những đối tác ở các thị trường khó tính hơn.
Khai mở các thị trường mới khó tính
Đơn cử như việc cung ứng các mặt hàng thực phẩm Halal (dành cho người Hồi giáo) vào Trung Đông, qua trao đổi với VnBusiness, ông Bảo nhấn mạnh sẽ mở rộng thêm thị trường ở quốc gia tiềm năng tại khu vực này. Nhất là khi công ty đã đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn Halal để phục vụ cho từng thị trường khác nhau.
Trước xu thế khai mở các thị trường Halal đầy tiềm năng trong ASEAN, các DN thực phẩm Việt đang tăng cường tiếp xúc với những nhà thu mua lớn của Indonesia. |
“Hiện tại các mặt hàng thực phẩm trung cấp và cao cấp của chúng tôi đang phù hợp với thị trường nước ngoài nhiều hơn. Tệp khách hàng chính là các nhà phân phối quốc tế với thế mạnh trong việc phủ các kênh GT (kênh phân phối truyền thống) và MT (kênh phân phối hiện đại) của họ tại từng thị trường”, ông Bảo bộc bạch.
Bên cạnh chia sẻ đầy triển vọng nêu trên, tại sự kiện kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành thực phẩm tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 11/12, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), cho rằng mặc dù đối mặt không ít thách thức từ thị trường toàn cầu, nhưng các xu hướng tiêu dùng mới như thực phẩm xanh, sản phẩm thay thế, hay yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc đã đặt ra một lộ trình phát triển mới đầy tiềm năng cho ngành lương thực thực phẩm Việt Nam.
Đơn cử như các mặt hàng thực phẩm của doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM, theo bà Chi, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đang vươn xa ra thế giới, chinh phục các thị trường quốc tế khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản. Điều này góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của Tp.HCM, nhất là khi nhóm ngành thực phẩm hiện chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp ở Thành phố.
Còn theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), các DN thực phẩm đã từng bước cải tiến chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Từ đó từng bước đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính trên toàn cầu.
Đặc biệt, theo ông Lữ, trong xu thế khai mở các thị trường mới như hiện nay, các DN thực phẩm đã nỗ lực không ngừng nhằm đạt được chứng nhận Halal góp phần đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường của các quốc gia Hồi giáo.
Những dự báo gần đây cho thấy mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) được dự kiến đạt 10,26% từ năm 2025 đến năm 2029, đưa tổng doanh thu của ngành thực phẩm vào đồ uống lên khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2029. Con số này cho thấy cơ hội rộng mở cho các DN Việt trong lĩnh vực chế biến và XK thực phẩm.
Bên cạnh đó, ngành thực phẩm Việt còn ghi nhận tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng. Các DN đang dần chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình bán hàng đa kênh, đặc biệt là trực tuyến nhằm tạo dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
Không những vậy, các xu hướng công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Chuỗi khối (blockchain) cũng đang được áp dụng trong quy trình quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất của ngành thực phẩm Việt. Điều này giúp DN tăng cường tính minh bạch, tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang trở thành xu hướng quan trọng, giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Linh hoạt thích ứng với xu hướng mới của thị trường
Nhìn vào lộ trình phát triển mới cho DN thực phẩm Việt trong năm 2025 sắp tới, giới chuyên gia nhận định sẽ đối diện với nhiều cơ hội xen lẫn thách thức. Nhất là để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, các DN sẽ phải đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới, bền vững, thân thiện với môi trường và có tiện ích cao hơn, qua đó cũng giúp cho họ tăng doanh thu.
Chẳng hạn như với xu hướng tiêu dùng xanh, theo ông Nguyễn Văn Phượng, Phụ trách điều tra thị trường của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau. Trong đó mức độ chi trả tăng thêm được người tiêu dùng hưởng ứng nhiều nhất là chi tăng thêm từ 5% đến 10% so với sản phẩm thông thường để tiêu dùng sản phẩm xanh, đặc biệt có khoảng 20% người tiêu dùng chấp nhận chi trả tăng thêm trên 10%.
Tuy vậy, cũng nên lưu ý, do là lĩnh vực màu mỡ gắn liền với các nhu cầu cốt lõi nhất của người tiêu dùng mà thị trường thực phẩm nội địa đang có sự cạnh tranh gay gắt. Do đó, để tồn tại và có được chỗ đứng trên thị trường, bản thân các DN thực phẩm phải cố gắng không ngừng đổi mới, sáng tạo, cách tân để nắm bắt xu hướng phát triển của ngành, xu hướng chính của người tiêu dùng và tạo ra lợi thế trước các đối thủ khác.
Xét về xu hướng chính của người tiêu dùng trong năm 2025, các DN thực phẩm cũng nên tham khảo Báo cáo ngành hàng tiêu dùng 2025 được Công ty chứng khoán TPS phát hành vào tháng 12/2024, theo đó người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưu tiên đối với các sản phẩm thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Đây là một cơ hội cho các DN cung cấp các sản phẩm tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe để xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp.
Ngoài ra, theo TPS, bền vững không chỉ là xu hướng toàn cầu mà đang là một trong những tiêu chí lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam hiện đại không chỉ tìm kiếm các sản phẩm phù hợp mà còn quan tâm tới các sản phẩm có thương hiệu uy tín. Họ sẵn sàng trung thành với các nhãn hàng có giá trị bền vững, mang lại trải nghiệm đa kênh và đáp ứng được thị hiếu khách hàng.
Chung quy, nhìn vào lộ trình phát triển mới đầy tiềm năng cho DN thực phẩm Việt trên thị trường XK và thị trường nội địa, điều quan trọng là bản thân các DN phải dần thay đổi về cách vận hành để thích ứng linh hoạt với xu hướng mới của thị trường và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình.
Hy vọng rằng từ thực tiễn xu hướng thị trường sẽ giúp họ trong năm 2025 sắp tới nhạy bén trong việc thích ứng xu hướng mới, đưa ra các mặt hàng thực phẩm mới và quảng bá “bắt sóng” các xu hướng đó. Điều này đến từ lộ trình đổi mới sáng tạo, đổi mới sản phẩm và đổi mới phương thức quảng bá của các DN thực phẩm Việt.
Thế Vinh