Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam, Bộ Công Thương nêu quan điểm, tại Quyết định số 500 phê duyệt Quy hoạch điện VIII có đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu được đặt ra là 2.600 MW.
Chỉ nhà dân, công sở được khuyến khích
Với quy mô này, Bộ Công Thương nhấn mạnh không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, vì chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021 - 2030) được đặt ra. Đây là chưa kể, điện mặt trời trên mái nhà của cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản, tự tiêu đã có thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trước đó.
Bộ Công Thương nhấn mạnh không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. |
Tuy vậy, nhiều bộ, ngành khác lại đề nghị nên mở rộng phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không nên gói trong cơ chế chỉ khuyến khích làm điện mái nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp mà khuyến khích lắp điện mái nhà nên mở rộng cho các công trình khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ năng lượng lớn như trường học, bệnh viện, khách sạn, khu công nghiệp, nhà xưởng…
Cụ thể, Bộ NN&PTNT kiến nghị khu vực nông thôn có các hộ dân phát triển kinh tế hộ cá thể, trong đó có trang trại (chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu nuôi trồng thủy sản…) nhà kho (lưu giữ thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị…) gắn liền với nhà ở. Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương làm rõ khái niệm nhà ở trong khu vực nông thôn và bổ sung đối tượng là hộ dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ; bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là hợp tác xã.
Bộ Quốc phòng đề nghị mở rộng phạm vi lắp đặt của hệ thống điện mặt trời mái nhà không chỉ lắp đặt trên mái nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp mà cho các công trình khác như trường học, bệnh viện, công trình tăng gia sản xuất. Ủy ban Dân tộc đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng áp dụng là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn.
Trong khi đó, Bộ KH&CN dẫn số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam công bố tại báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023, cả nước có 192 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87.100ha, diện tích đất công nghiệp hơn 58.700ha. Và còn 106.000 ha đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên còn khoảng 35.700ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 23.800ha. Đây cũng có thể coi là phần diện tích rất tốt để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái tại Việt Nam.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng, đối tượng áp dụng của cơ chế lần này là điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở. Việc mở rộng đối tượng (nếu có) như đề nghị của các Bộ để áp dụng cơ chế sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong các quy định sau này.
Thách thức lớn với doanh nghiệp
Theo các doanh nghiệp, điều này khiến họ sẽ khó khăn hơn bởi việc lắp điện mặt trời mái nhà không chỉ giải quyết vấn đề chủ động trong cung ứng điện mà đây là yêu cầu cấp thiết với nhiều doanh nghiệp trước bài toán đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa cho sản xuất. Hiện, không ít đơn vị làm hàng xuất khẩu bắt buộc phải sử dụng năng lượng tái tạo để chuyển đổi xanh hóa, đáp ứng chứng chỉ xanh trong sản phẩm do các nước nhập khẩu đưa ra.
Mới đây, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin, các doanh nghiệp da giày hiện đang quan tâm nhiều đến CBAM - cân bằng carbon. Theo đại diện các doanh nghiệp da giày EU, khâu tạo ra nhiều carbon nhất trong sản xuất da giày là từ điện (sẽ bị áp dụng carbon gián tiếp từ sau năm 2023).
Do vậy, ông Quân cho biết, các doanh nghiệp da giày EU đang vận động doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng (ví dụ lắp đặt điện mặt trời tại các nhà xưởng).
Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy vậy, vấn đề khó khăn nhất là không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng cấp vốn. Theo đó, ông Giang kiến nghị cơ quan quản lý cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Gần đây, các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng khiến cho doanh nghiệp khó có thể lắp đặt hệ thống này, bởi đối với các nhà máy và công trình cũ đã hoạt động được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, được nghiệm thu hệ thống theo quy định. Đến nay, nếu lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ phải thẩm duyệt lại phòng cháy chữa cháy, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo, sửa chữa, lắp mới thêm nhiều hạng mục phòng cháy chữa cháy mới để thỏa mãn điều kiện.
Chưa kể, quy định tự sản, tự tiêu đặt ra lo ngại sẽ “bóp nghẹt” nhà đầu tư và hộ dân muốn lắp đặt điện. Bộ Công Thương kiến nghị cho phép điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, tự sử dụng được liên kết lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện nhưng không phát điện lên lưới).
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ngành điện đang không xử lý tốt vấn đề quan hệ giữa xây dựng lưới truyền tải và phụ tải. Bộ Công Thương khuyến khích người dân đầu tư điện mái nhà nhưng không khuyến khích họ bán điện dư thừa lên lưới, cũng như không được quyền bán điện trực tiếp cho khách hàng khác trong khu vực.
Trong khi đó, "tại Đức việc bán điện trực tiếp của nguồn phát điện như điện mái nhà cho hộ dân xung quanh đều được hoan nghênh, điện lực còn hỗ trợ người dân xây dựng đường truyền tiêu chuẩn, nhằm an toàn hệ thống. Và trường hợp nguồn điện phát thiếu, khách có thể đấu nối mua điện chỗ khác, hoặc điện lưới'', ông Doanh dẫn chứng.
Nhật Linh