Số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong cả nước tháng 5/2022 ước đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Dư địa thị trường tiêu dùng còn rất lớn
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.257,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%.
Ở góc độ DN nhỏ và vừa trong ngành hàng nông sản thực phẩm, ông Tô Huỳnh, thành viên lãnh đạo Công ty TNHH Rau hữu cơ Surifarm (Tp.HCM), cho biết công ty vẫn thấy dư địa của thị trường tiêu dùng trong nước còn rất lớn cho các DN nhỏ và vừa.
Khi thủ thế trên “sân nhà”, các DN nhỏ và vừa cần để tâm đến mức độ trung thành của người tiêu dùng Việt đang có những biến chuyển rõ rệt. |
“Đây mới là thị trường chính cho những DN có tiềm lực tương đối hạn chế. Còn thị trường xuất khẩu (XK) chưa thể giải quyết được vấn đề gì nhiều cho DN trong thời gian này”, ông Huỳnh nói.
Theo vị lãnh đạo của Surifarm, có đến 90% doanh thu của công ty ở ngay thị trường nội địa, trong khi chỉ có 10% doanh thu từ hoạt động XK. Điều đó cho thấy thị trường “sân nhà” có tầm quan trọng như thế nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Surifarm.
Lý giải về chuyện con số doanh thu từ XK khá khiêm tốn như hiện tại, ông Huỳnh cho biết XK đang gặp nhiều bất trắc từ giá cước vận tải biển và tình trạng ùn tắc tại các cảng biển quốc tế. Chi phí vận chuyển đã chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, dẫn tới việc đội giá sản phẩm lên rất cao. Cho nên, hiện tại công ty chưa đặt nặng về XK, nhất là khi hoạt động logistics vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, với thị trường nội địa, vị doanh nhân này cho rằng sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, người tiêu dùng tuy có thắt chặt chi tiêu, nhưng ngành hàng nông sản thực phẩm vẫn là sản phẩm có tính thiết yếu.
“Dù tình hình có khó khăn thì thị trường “sân nhà” cho ngành thực phẩm vẫn khá tốt. Ngay như trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, nhiều DN trong lĩnh vực này hoạt động khá hiệu quả, thậm chí còn mở rộng được thị phần. Còn bây giờ, tình hình dịch bệnh đã thuyên giảm nhiều, cơ hội cho các DN nhỏ và vừa sẽ càng mở ra”, ông Huỳnh nói.
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (một DN nhỏ và vừa ở tỉnh Bình Phước chuyên sản xuất, chế biến hạt điều), việc XK với công ty trong lúc này là cả thách thức không nhỏ khi phải chịu áp lực lớn về giá cước vận tải biển tăng cao, cộng với thời gian vận chuyển kéo dài.
Để tâm đến người tiêu dùng Việt
Vì vậy, ông Đạt cho biết công ty vẫn đang tiếp tục chú trọng vào thị trường tiêu dùng nội địa dù cho có những thời điểm đầu ra sản phẩm bị chững lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Và thực tế là kênh bán hàng thông qua các chuỗi siêu thị trong nước đang chiếm khoảng 90% tổng doanh thu của công ty.
Ghi nhận của VnBusiness cho thấy khi thị trường thế giới đang có nhiều biến động khó lường, tự xét thấy khả năng có hạn nên nhiều DN nhỏ và vừa ở các địa phương vẫn phải “thủ thế” bằng việc tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ngay ở thị trường nội địa. Đặc biệt, khi gặp khó khăn tại thị trường XK thì giải pháp quay về “sân nhà” vẫn an toàn hơn.
Như tại tỉnh Đắk Nông, CTCP đầu tư Long Huệ (chuyên sản xuất chế biến chanh dây XK ở huyện Tuy Đức) vốn trước đây chủ yếu XK đi Trung Quốc, EU. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, khi nhận thấy tình hình thế giới có nhiều biến động, công ty quyết định quay về với thị trường nội địa, đưa sản phẩm chanh dây chế biến tiêu thụ ngay tại “sân nhà”.
Theo chia sẻ của lãnh đạo DN, công ty quyết định không bung ra như trước, mà gói gọn lại với thị trường trong nước. Đó là do hoạt động XK gặp quá nhiều rủi ro, giá cước tăng, phát sinh nhiều chi phí, nên công ty cũng phải điều chỉnh để thích ứng tốt hơn.
Với việc “thủ thế” trên “sân nhà” thay vì chăm chăm XK như trước đây, giới chuyên gia cho rằng các DN nhỏ và vừa đang xem thị trường nội địa như “trụ đỡ” cho họ vượt qua trong những thời điểm đầy bất trắc.
Tuy nhiên, nếu không thể lấy được lòng khách hàng ngay trên “sân nhà” - nơi DN am hiểu nhất về thị trường, thì không có gì đảm bảo rằng họ sẽ có cơ hội cạnh tranh tại các thị trường ngoại vốn khác xa bản địa.
Mặt khác, khi tập trung vào “sân nhà”, các DN cũng cần để tâm đến mức độ trung thành của người tiêu dùng tại Việt Nam đã và đang có những biến đổi rõ rệt. Nhất là khi người tiêu dùng ngày càng có nhiều thông tin về sản phẩm, về các nhãn hàng và nhu cầu mong muốn của họ cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn.
Như lưu ý của giới chuyên gia, người tiêu dùng trong nước hài lòng với một thương hiệu Việt sẽ góp phần làm gia tăng mức độ với trung thành với thương hiệu đó.
Vì vậy, các DN nhỏ và vừa cần phải tìm ra các biện pháp, chiến lược làm sao cho người tiêu dùng Việt thật sự hài lòng đối với sản phẩm mà mình đang sản xuất và nhắm đến tiêu thụ trên “sân nhà”. Và phương hướng lâu dài của các DN trước hết cần phải củng cố chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, bám sát thị hiếu, xu hướng thực tế…
Thế Vinh