Mới đây, dường như không thể đứng nhìn “miếng bánh” thị phần đang bị các DN nước ngoài chi phối, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, đã kêu cứu và kiến nghị với địa phương này về việc không tiếp tục khuyến khích hoặc cấp đất cho các DN Trung Quốc đầu tư trong ngành gỗ.
FDI chảy mạnh vào ngành gỗ
Theo ông Lập, hiện nay, hàng loạt các DN ngành gỗ của Trung Quốc đang dịch chuyển đầu tư sang các nước lân cận để tiết giảm chi phí sản xuất. Ở góc độ nào đó, việc này sẽ tạo điều kiện thu hút vốn FDI nhưng khi số lượng DN gỗ từ Trung Quốc đến đầu tư quá nhiều sẽ gây ra bất lợi cho ngành gỗ Việt Nam. Họ sẽ tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Các DN chế biến gỗ cho rằng các DN Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam để được hưởng lợi từ FTA Việt Nam – EU, TPP… Các hiệp định thương mại trong thời gian tới sẽ là bệ phóng giúp sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam chiếm lợi thế trong việc giành đơn hàng với DN Trung Quốc.
Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD đồ gỗ sang thị trường Mỹ trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 2 tỷ USD/năm. Dư địa còn rất lớn cho các DN Việt Nam nên các DN Trung Quốc mới chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.
Hơn nữa, sản phẩm gỗ của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá rất cao khi xuất khẩu sang Mỹ nên họ sang Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc miễn thuế khi TPP, EVFTA có hiệu lực. “DN biết, hiệp hội biết việc này nhưng chúng tôi không làm gì được”, một DN chia sẻ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores),
thừa nhận thực tế này, cho biết hiện nay có khoảng trên 500 DN FDI trong lĩnh vực chế biến gỗ, trong đó một phần ba là các DN Trung Quốc, Đài Loan.
Ông Quyền cho biết thêm, mới đây, Vifores đã tiếp hơn 30 DN ngành gỗ của Trung Quốc đến đặt vấn đề đầu tư. Mục đích của họ là để đón đầu các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như TPP, AEC, EVFTA…
Trước tình hình này, các DN chế biến gỗ trong nước lo ngại những công nhân lành nghề sẽ về tay các DN FDI. Nếu điều này xảy ra, ngành gỗ Việt sẽ thất thế, mất đơn hàng, khi mà không có công nhân lành nghề để chế tác tạo ra các mẫu mã đẹp, một trong những điều kiện cần để đối tác đặt hàng.
![]() |
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ dự kiến trong các năm 2010, 2015 và 2020 sẽ lần lượt đạt ở con số 3 tỷ USD; 4,5 tỷ USD và 7 tỷ USD
“Gót chân Asin”của gỗ Việt
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho biết, trong những năm qua, ngành chế biến gỗ luôn tăng trưởng cao hơn GDP. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI. Trước đây, 65% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ là DN Việt Nam, nhưng nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 30 – 35%.
Trong khi các DN FDI đang đổ vốn đầu tư vào ngành gỗ để hưởng lợi thì các DN gỗ Việt lại tồn tại quá nhiều “gót chân Asin”.
Mới đây, trong một cuộc Hội thảo “Rủi ro xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA”, Ts. Tô Xuân Phúc, chuyên viên Forest Trends (Mỹ), đã thẳng thắn nêu lên một thực tế là ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 6 về kim ngạch trong số các nhóm hàng xuất khẩu cả nước, giá trị xuất khẩu năm 2015 lên tới gần 7 tỷ USD. Nhưng rất tiếc là chưa có một sản phẩm nào mang thương hiệu “Made in Vietnam”.
Đồng thời, ông Phúc cũng cho biết đa số các DN chế biến tại Việt Nam chủ yếu làm việc thông qua người mua hàng đại diện chứ không tiếp cận trực tiếp đến các DN nước ngoài. Điều này khiến các DN gỗ của Việt Nam thụ động khi tham gia thị trường.
Trong khi đó, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng ái ngại về lâu dài, ngành gỗ Việt Nam sẽ vẫn không tránh khỏi việc phải nhập khẩu nguyên liệu. Theo tính toán của hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ dự kiến trong các năm 2010, 2015 và 2020 sẽ lần lượt đạt ở con số 3 tỷ USD; 4,5 tỷ USD và 7 tỷ USD.
Theo kịch bản này, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 4-5 triệu m3 gỗ. Hơn nữa, có thể thời gian tới, thị trường nguyên liệu gỗ cho Việt Nam sẽ bị thu hẹp bởi hiện nay, các nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu đang xem xét lại chuỗi giá trị ngành gỗ.
Có nhiều khả năng thời gian tới, các nước này sẽ ban hành các chính sách giảm hoặc không xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ. Đây sẽ là một bất lợi lớn cho ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam và đòi hỏi ngành phải sớm có những phương án để giảm dần sự phụ thuộc này.
Xét về quy mô DN, ông Tô Xuân Phúc cho biết, nếu xét về quy mô vốn, 93% DN của Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ, còn xét theo quy mô lao động, gần 50% là DN siêu nhỏ và cũng gần 50% là DN nhỏ.
Đây là điểm bất lợi lớn của DN Việt so với các tập đoàn nước ngoài đã và đang đầu tư vào ngành này. Ngoài ra, các DN của Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ chế biến còn tương đối lạc hậu, giá trị gia tăng còn hạn chế.
Lê Thúy
Ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành Cách đây hơn 10 năm, nhận thấy Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản cho ngành gỗ, chế biến gỗ, đã có nhiều ý kiến xin Chính phủ lập trường dạy nghề, nhưng đến nay, mọi chuyện chỉ dừng lại trên giấy. Vì thế, trong thời gian qua, các DN chế biến và xuất khẩu gỗ phải tự đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo này trong thời gian tới có thể sẽ nghỉ việc ở các DN trong nước đề chuyển sang làm việc cho các DN FDI. Ông Huỳnh Quang Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Khi lợi thế nhân công giá rẻ không còn, DN chế biến gỗ xuất khẩu trong nước phải tăng năng suất lao động để cạnh tranh. Tuy nhiên, để tăng năng lực cạnh tranh lại phụ thuộc vào đào tạo nguồn nhân lực mà lâu nay gần như không được quan tâm, lao động ra trường không sử dụng được ngay. Ở Đức, có trường đào tạo nghề với thời gian thực hành lên đến 80% nên công nhân ra trường là làm việc được ngay. Việt Nam muốn thay đổi bất cập này phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đến nay, các DN chỉ làm nhiệm vụ gia công chế biến, với giá trị thặng dư tích lũy nhờ lao động giá rẻ, công nghệ chế biến không phát triển và sử dụng nhiều nguyên liệu thô, lợi ích dựa vào số lượng hơn là chất lượng, DN cũng chưa tạo được thế chủ động trong hội nhập thị trường. Bên cạnh đó, các tương tác trực tiếp với thị trường xuất khẩu chủ yếu được thực hiện trực tiếp bởi người mua nước ngoài. |