Tại Diễn đàn DN thường niên 2015 diễn ra ngày 1/12, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng DN của VCCI cho thấy ghi nhận tích cực của DN về những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương. Nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.
![]() |
DN ghi nhận những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương, nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.
Doanh nghiệp nội lo không lớn được
Nghịch lý được Chủ tịch VCCI nêu rõ là qua các cuộc khảo sát gần đây về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan, cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là DN tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, DN quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.
“Đây là một lực cản đáng kể để các DN không lớn lên được và quy mô bình quân của DN Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây”, ông Lộc khẳng định.
Dẫn chứng từ trên, ông Lộc cho biết, với những cải cách của ngành Hải quan năm 2015 như triển khai hệ thống thông quan tự động, chữ ký điện tử, thanh toán điện tử… đã phần nào giúp DN giảm chi phí và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, tình trạng ban hành văn bản, thông tư mới dồn dập đã khiến DN gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực hiện… Do đó, việc áp dụng thủ tục Hải quan thiếu sự thống nhất.
Hay với lĩnh vực thuế, nhiều DN phản ánh một số quy định pháp luật thuế hiện nay chưa rõ ràng, việc áp dụng khó khăn, thiếu thống nhất. Đơn cử, một số quy định liên quan tới việc xác định chi phí hợp lý để khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN còn thiếu rõ ràng, chưa phù hợp với yêu cầu tồn tại và cạnh tranh củaDN…
Do vậy, theo ông Lộc, “Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh”.
Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực DN tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. DN Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của DN.
Doanh nghiệp ngoại vướng nhiều thủ tục
Cũng tại diễn đàn, các Hiệp hội DN nước ngoài cũng lên tiếng về khó khăn mà cộng đồng mình đang gặp phải. Nổi cộm lên các vấn đề kiến nghị của DN là phản đối Thông tư 23/2015 của Bộ Khoa học Công nghệ quy định về việc nhập khẩu máy móc cũ, vấn đề thị thực của Việt Nam hiện nay.
Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đông đảo các hiệp hội DN trong nước và nước ngoài đã phản đối Thông tư 23/2015, ban hành vào ngày 13/11/2015 và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016 (thay thế Thông tư 20/2014). Sự ra đời của thông tư này sẽ gây ra sự đình trệ trong quy trình hải quan, có tác động tiêu cực đến hiện đại hóa và công nghiệp hóa, đặc biệt là các nhà cung cấp công nghiệp, thể hiện sự đối xử phân biệt với các nhà cung cấp trong nước.
Bà Sherry Boger cho biết: “Hiệp hội đã nêu vấn đề này trong nhiều cuộc họp tham vấn và tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kì tổ chức vào tháng 6. Một lần nữa, chúng tôi kính đề nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng dựa trên tiêu chuẩn về thời gian tùy ý, các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, tiết kiệm năng lượng … ”.
Cùng vấn đề này, ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cũng cho biết hiệp hội DN Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đề xuất nguyện vọng tới Bộ KH&CN để Thông tư 20 liên quan tới nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng không gây hạn chế đầu tư của DN nước ngoài.
Liên quan tới vấn đề thị thực, bà Sherry Boger chia sẻ: “Chúng tôi đã nêu vấn đề này tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kì tổ chức vào tháng 6/2015 và được biết rằng công dân Hoa Kì có khả năng được cấp thị thực thời hạn 1 năm, nhập cảnh nhiều lần, nhưng cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin chính thức. Chúng tôi hi vọng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết”.
Theo ông Shimon Tokuyama, Chính phủ Việt Nam cần thay đổi điều kiện nhập cảnh đối với công dân Nhật Bản được quy định trong “Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”, cho phép họ được miễn visa khi tái nhập cảnh không kể thời gian của lần nhập cảnh trước đó vào Việt Nam là bao lâu, giống như đã từng quy định trong luật trước khi sửa đổi.
Hay Đại diện Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam (AusCham), cho biết mặc dù hiện nay, Việt Nam miễn thị thực cho công dân của 21 quốc gia, tuy nhiên con số này còn thấp hơn các nước lân cận như Malaysia (164), Philippines (157), và Thái Lan (52). AusCham vẫn còn một số quan ngại về vấn đề này.
Do vậy, AusCham đề nghị Chính phủ cần khẩn trương mở rộng danh sách các nước miễn thị thực bao gồm Úc và New Zealand. “Đây được xem như một phương pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch giữa các quốc gia. Thứ hai, chúng tôi đề nghị miễn thị thực lưu trú trong 30 ngày thay vì như hiện tại là 15 ngày và đồng thời cho phép du khách tái nhập cảnh trong vòng 30 ngày để quảng bá hình ảnh Việt Nam như một trung tâm quá cảnh”, đại diện AusCham kiến nghị.
Lê Thúy
Ông Vũ Văn Ninh - Phó Thủ tướng Chính phủ Hơn lúc nào hết, Chính phủ mong muốn được kề vai sát cánh, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc hoạch định chính sách phù hợp và sát thực với nhu cầu của DN, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN vượt qua thách thức, phát triển bền vững, làm nền tảng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét, tiếp tục và chủ động khẩn trương giải quyết các kiến nghị hợp lý của DN nêu ra tại diễn đàn lần này. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các DN cần thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và giảm thiểu gánh nặng hành chính thông qua việc giảm lượng tiền mặt, giấy tờ và giao dịch thanh toán trực tiếp giữa các DN và giữa DN với Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới cải thiện cơ sở hạ tầng cứng, sản xuất năng lượng, kế hoạch phát triển điện VII, ngành than, các ngành công nghiệp… Bà Virginia B.Foote - Đồng Chủ tịch, Diễn đàn DN Việt Nam Để DN tư nhân hết “cô đơn”, cần xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia khởi nghiệp để định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ khuyến khích thành lập DN trong lĩnh vực đổi mới và sáng tạo. Tiếp đó, cần có các chương trình vay vốn có hiệu quả. Tối đa hóa thủ tục hành chính trong hoạt động của DN cũng như tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính để nâng cao niềm tin của DN. Đặc biệt, tôi đề nghị các DN FDI chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ các DNVVN nội địa, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, để các DN này trở thành đối tác, nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng. |