Bà Trần Thị Định, Kế toán trưởng công ty TNHH Điện tử Viễn thông Hải Đăng (quận 10, Tp.HCM), cho biết mặc dù phía DN hưởng ứng việc sử dụng hóa đơn điện tử nhưng vẫn còn gặp những vướng mắc.
Chưa quên được... hóa đơn giấy
Cụ thể, đối với DN bán hàng, thông thường khi hàng hóa chuyển giao quyền sử dụng thì mới xuất hóa đơn. Còn hiện nay, với đặc thù như công ty Hải Đăng là bán hàng hóa cho các ngư dân vùng ven biển, nếu xuất hóa đơn điện tử, công ty có băn khoăn là hàng hóa đi bằng cách gì? Bởi lẽ hàng đang đi trên đường, chưa có chuyển giao quyền sử dụng, mà chuyển đi như vậy thì sử dụng hình thức như thế nào?
Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều DN hiện nay. Cũng nên nhắc lại, trong buổi đối thoại giữa Cục Thuế Tp.HCM và DN hồi cuối năm 2017, đại diện công ty Hải Đăng cũng đặt câu hỏi về vướng mắc trong việc sử dụng hóa đơn điện tử khi đi đường. Công ty thắc mắc về việc dùng hóa đơn điện tử xác thực: Hóa đơn điện tử là thay cho hóa đơn giấy. Vậy, hàng hóa đi đường như thế nào là hợp lệ?
Trong buổi đối thoại với DN vào tuần qua, khi được hỏi lại vấn đề này, đại diện Cục Thuế Tp.HCM giải thích hóa đơn điện tử là hóa đơn được truyền bằng phương thức điện tử, là căn cứ pháp lý để hạch toán, kê khai khấu trừ tính vào chi phí.
Còn hóa đơn chuyển đổi ra giấy, các DN lưu ý Thông tư 32/2011/TT-BTC hướng dẫn các trường hợp chuyển đổi ra giấy để chứng minh hàng hóa đi trên đường. Nhất là khi vận chuyển hàng hóa đi trên đường cần các thủ tục để chứng minh, bên bán sẽ thực hiện chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để làm chứng từ đi đường.
Ngoài ra, để phục vụ mục đích lưu trữ kể cả bên bán lẫn bên mua thì chuyển đổi một lần ra hóa đơn giấy. Còn mục tiêu căn cứ để kê khai tính chi phí khấu trừ các thứ là hóa đơn điện tử mà được truyền bằng phương thức điện tử.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Tp.HCM), việc DN lưu trữ hóa đơn bằng phương thức điện tử đó là hóa đơn pháp lý. Còn hóa đơn giấy chủ yếu để lưu trữ hoặc chứng minh hàng hóa đi trên đường chứ không căn cứ pháp lý trên hóa đơn giấy nữa. Tuy đã có tuyên truyền nhưng rất nhiều người dù đã sử dụng hóa đơn điện tử rồi vẫn còn hiểu nhầm, nhiều người mua vẫn yêu cầu bên bán chuyển đổi ra hóa đơn giấy để cầm về.
Sau phần giải thích này, một đại diện DN cũng đặt vấn đề: chẳng hạn nhân viên của DN tốn chi phí tiếp khách cho công việc mà không đem chứng từ về thì chắc chắn không thanh toán được. Cho nên, vẫn phải cần có hóa đơn giấy để thanh toán lại cho nhân viên, nhất là những hóa đơn “nhạy cảm” về chi phí tiếp khách. Thậm chí, DN còn căn dặn nhân viên từ chối đi tiếp khách ở những địa điểm dùng hóa đơn điện tử vì khi về tra cứu lại thì không thấy. Điều này làm cho công ty băn khoăn.
Nhiều DN còn vướng mắc việc sử dụng hóa đơn điện tử cho hàng hóa đi trên đường
Lộ trình làm quen
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM, cho biết cơ quan thuế đang khuyến khích các DN sử dụng hóa đơn điện tử do phần mềm quản lý cũng như phần mềm kế toán mà phần bán hàng của mỗi DN có sự khác nhau. Do vậy, cần phải có thời gian để các DN cung cấp giải pháp cho hóa đơn điện tử để tích hợp trong hệ thống hóa đơn điện tử.
Được biết, Chính phủ đã đề ra lộ trình đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% và đến năm 2020 có 90% hàng hóa được mua bán (lưu thông) bằng hóa đơn điện tử.
Vào tháng 3/2018, trong một chỉ thị nhằm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Tài chính tập trung xây dựng Nghị định về hóa đơn, chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn bộ nền kinh tế.
Đồng thời, nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh, thí điểm thực hiện tại Hà Nội, Tp.HCM trong năm 2018.
Một thống kê cuối năm ngoái cho thấy đã có hơn 622.000 DN, đạt 99,64% thực hiện kê khai thuế điện tử, thực hiện hóa đơn điện tử. Mặc dù vậy, nhiều DN vẫn gặp một số vướng mắc trong quá trình đi đường, phải in hóa đơn điện tử ra sao cho khách hàng.
Hiện nay, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn là hóa đơn điện tử tuy cần thiết nhưng để 100% DN, hộ kinh doanh thực hiện trong thời gian sớm không phải chuyện đơn giản. Nhất là những trường hợp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đứng tên là người già không biết sử dụng vi tính hoặc đối với vùng sâu, vùng xa, không có mạng internet hoặc mạng rất yếu thì quản lý hóa đơn điện tử như thế nào?
Vì thế, giới chuyên gia cho rằng ngành thuế trước mắt nên kiểm soát bằng hóa đơn điện tử với số DN lớn đang chiếm 80% nguồn thu. Còn với các hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa (vốn chỉ chiếm 20% nguồn thu) nên đặt ra lộ trình để họ làm quen và có điều kiện áp dụng theo.
Thế Vinh