Với Thaco, điều khiến dư luận bất ngờ là Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 (diễn ra hôm 12/4) đã thông qua chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 5.063 tỷ đồng, giảm đến 31% so với năm 2016 dù tổng doanh thu Thaco dự kiến năm nay đạt gần 64.000 tỷ đồng (tương đương với năm 2016).
Giảm lãi để cạnh tranh
Theo chia sẻ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco, sở dĩ mục tiêu lợi nhuận của năm 2017 thấp hơn là do công ty tiếp tục đặt mục tiêu giảm giá thành sản phẩm trung bình 5%/năm và lũy kế đến năm 2018 là 15%.
Trên cơ sở đó, Thaco tiếp tục rà soát và cắt giảm chi phí xuyên suốt chuỗi giá trị, đặc biệt ở khâu sản xuất và giao nhận vận chuyển, đồng thời quản lý chi phí bán hàng, quảng cáo, marketing của hệ thống phân phối nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh với các đối thủ trong nước và khu vực ASEAN.
Giảm giá để có thể cạnh tranh trước đối thủ ngoại là điều mà doanh nghiệp (DN) này đang làm. Cụ thể, năm 2016 Thaco đã bắt đầu thực hiện chiến lược tiên phong giảm giá xe mặc dù việc này rõ ràng làm giảm tỷ suất lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, với áp lực cạnh tranh ngày càng cao cùng lộ trình hội nhập AFTA, thuế suất sẽ về bằng 0% vào năm 2018, việc giảm giá này cho thấy đây là hành động được cân nhắc của Thaco.
Bên cạnh lý do giảm giá xe, theo ông Dương, năm 2017 là năm Thaco bước vào chu kỳ đầu tư mới và đầu tư thêm các ngành nghề khác, việc đầu tư này trong những năm đầu không lợi nhuận; vốn vay sử dụng cho đầu tư tăng cao dẫn đến tăng chi phí tài chính. Cùng với đó, chiến lược liên doanh trong hoạt động phát triển sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ để hội nhập cũng phải chia sẻ lợi nhuận cho các đối tác.
Một “ông lớn” khác có thể kể đến là Thép Hòa Phát (HPG). DN này lúc đầu đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 đạt 38.000 tỷ đồng, tăng 12%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt ở mức 5.000 tỷ đồng, giảm hơn 24% so với năm 2016. Mục tiêu lợi nhuận thua xa năm ngoái cũng phần nào cho thấy HPG tỏ ra thận trọng trước sức ép cạnh tranh cũng như những biến động trên thị trường thép hiện nay.
Theo công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, khác với năm 2016, giá nguyên liệu thép trong thời gian gần đây tăng nhanh và mạnh hơn. Điều này có thể làm gia tăng rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn, hoặc những biến động với biên độ lớn hơn dễ xảy ra đối với giá nguyên liệu trong năm 2017. Nếu quản trị tồn kho không tốt, đây chính là rủi ro cần lưu ý.
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2017 là một năm chững lại của HPG khi các dự án mới đều đang trong giai đoạn đầu tư và dự kiến cuối năm 2017, đầu năm 2018 mới hoàn thành. Cụ thể các dự án gồm: nâng công suất ống thép lên 80%; dự án nhà máy tôn mạ; dự án Mandarin Garden 2 bắt đầu ghi nhận doanh thu.
Đối với trường hợp công ty CP Thế giới số – Digiworld (DGW, một trong ba “ông lớn” trong mảng kinh doanh công nghệ tại Việt Nam), công ty này cũng vừa ra thông báo về kế hoạch kinh doanh trong năm 2017, theo đó doanh thu dự kiến đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 4,5%, trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 55 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2016.
![]() |
Tuy đứng đầu cả nước với 32% thị phần ô tô toàn thị trường nhưng năm 2017, mục tiêu lợi nhuận của Thaco đã giảm đến 31% so với năm 2016
Thận trọng còn hơn “vỡ kế hoạch”
Cần nhắc lại, doanh thu năm 2016 của DGW đạt trên 3.800 tỷ đồng (giảm 10% so với năm 2015) trong khi các loại chi phí tăng mạnh, nhất là chi phí bán hàng và quản lý DN khiến lợi nhuận sau thuế của DN này thu về chỉ còn 67,44 tỷ đồng, giảm đến 35% so với năm 2015.
Theo lưu ý của VCBS, vai trò của DN phân phối công nghệ bị suy giảm trong chuỗi giá trị truyền thống trong khi định hướng phát triển là tăng cung cấp dịch vụ marketing cho những nhãn hàng mới tại thị trường Việt Nam. Những DN bán lẻ lớn như Thế giới Di động (MWG) và FPT shop, thay vì mua hàng qua các DN phân phối như DGW và PSD, đang trực tiếp mua hàng với nhà sản xuất.
Một vài câu chuyện nêu trên để cho thấy những thách thức lớn, những yếu tố bên ngoài khó lường đã ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận mà các DN trên đã nhìn thấy. Tuy nhiên, có lý lẽ cho rằng DN thận trọng đặt ra mục tiêu lợi nhuận sụt giảm nhưng nỗ lực thực hiện lớn hơn chỉ tiêu còn hơn là đặt chỉ tiêu cao để cuối cùng lại “vỡ kế hoạch”. Và thực tế đã có không ít “ông lớn” thận trọng với kế hoạch kinh doanh của mình.
Riêng dưới góc độ thị trường chứng khoán, theo công ty CP Chứng khoán Đại Nam (DNSE), quy mô thị trường sẽ thay đổi cả về lượng và chất khi các mã cổ phiếu của nhiều DN lớn, đầu ngành cùng lên sàn chứng khoán, trong đó có thể kể đến những tập đoàn đã bắt đầu niêm yết từ cuối năm 2016 như: VietNam Airline, Cụm Cảng hàng không ACV, PCC1, VIB, Sabeco, Habeco… hay sắp tới là Thaco, Petrolimex, Techcombank…
DNSE nhận định, vốn hóa thị trường dự báo sẽ tăng thêm lên mức 50% GDP (43% trong năm 2016) với sự tham gia của những DN nắm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, hoạt động rất hiệu quả và có cơ cấu cổ đông cô đặc.
Những DN này sẽ giúp cho chỉ số VN-Index tăng trưởng một cách bền vững và phản ánh khách quan hơn theo biến động của nền kinh tế vĩ mô, từ đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư tham gia thị trường.
Thế Vinh