Nhìn lại năm 2015, các nhà làm chính sách hay các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng đây là năm của doanh nghiệp vì nó hội tụ rất nhiều vấn đề, nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp, nhất là khi Việt Nam hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mới nhất là kết thúc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – EU, Việt Nam - EAEU.
![]() |
Muốn tận dụng được lợi thế TPP, các doanh nghiệp thuỷ sản cần nắm rõ hàng rào kỹ thuật thương mại
Thụ động về TBT
Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mãi loay hoay để hưởng thuế quan ưu đãi từ TPP mà chưa thực sự để tâm đến các hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT) cũng như các rào cản về xuất xứ hàng hoá, các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS).
Trong buổi nhóm họp với các doanh nghiệp tại Tp.HCM hôm 15/12 để bàn về việc tận dụng được các lợi thế và hạn chế rủi ro khi thực thi TPP, ông Trần Ngọc Liên, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Tp.HCM, đã lưu ý các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn hàng hoá trong TPP để hạn chế tối đa những bất lợi cho doanh nghiệp.
Theo ông Trần Ngọc Liên, khi tham gia TPP hay FTA Việt Nam – EU, với hơn 90% các dòng thuế sẽ về 0% nhưng thực chất các doanh nghiệp nội có thực sự tận dụng được lợi thế đó hay không, điều đó buộc các doanh nghiệp phải nắm rõ tối đa các hàng rào kỹ thuật, các quy định về xuất xứ hàng hoá, về sử dụng nguyên liệu. Bởi nếu không thực hiện đúng quy định, không đáp ứng về tiêu chuẩn hàng hoá thì sẽ khó để được hưởng những ưu đãi về thuế quan.
Trên thực tế, các hàng rào kỹ thuật thương mại được “đẻ ra” nhằm bảo hộ mậu dịch trong nước hoặc bảo vệ các lợi ích quốc gia, đặc biệt là nhằm kiểm soát và hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm không đáp ứng với các quy định về môi trường, an toàn, sức khoẻ…
Về nguyên tắc, các biện pháp kỹ thuật này có thể trở thành rào cản thương mại nếu nó quy định quá mức cần thiết nhằm bảo hộ hàng hóa nội địa. Cho nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp không ít trở ngại với TBT.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng nếu muốn gia tăng xuất khẩu, các doanh nghiệp nội địa cần nắm rõ về hàng rào kỹ thuật và những biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu sang Mỹ hoặc EU. Phải xem nó có quy định cụ thể thế nào và bản thân doanh nghiệp cần tìm kiếm thông tin chính thống ở đâu, chứ không thể tìm hiểu thông tin lơ mơ, đại khái trên mạng Internet.
Cần thích ứng “cuộc chơi”
Bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng Phòng FTA Trung tâm WTO và hội nhập thuộc VCCI, cho biết cuộc tổng điều tra về độ quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam vào TPP đã cho thấy dù các doanh nghiệp nội không hiểu biết sâu sắc về TPP nhưng tỷ lệ ủng hộ Việt Nam đàm phán tham gia hiệp định này lại rất cao (hơn 70%).
Theo bà Phùng Thị Lan Phương, điều này trái ngược hẳn với các doanh nghiệp nước ngoài, vốn nắm rõ những cơ hội và thách thức từ TPP nên họ hoặc là ủng hộ hoặc là phản đối rất rõ. Ngay các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết, các doanh nghiệp nội cũng chưa nắm rõ thời điểm có hiệu lực để có lộ trình chuẩn bị. Các quy tắc về xuất xứ hàng hoá trong TPP là rất phức tạp nên bản thân các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thường xuyên.
Cũng trong một hội nghị mới đây bàn về Cơ chế minh bạch hoá các biện pháp kỹ thuật trong FTA của Việt Nam với đối tác, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhận xét các doanh nghiệp vẫn rất lơ mơ về TBT dù chúng tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn thiếu chặt chẽ.
Trong khi đó, qua trao đổi với giới báo chí, ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp), nói rằng không phải doanh nghiệp không quan tâm TBT mà là doanh nghiệp có quan tâm, có nhận biết nhưng do nguồn lực không đủ, vốn yếu, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, khoa học công nghệ còn thiếu nên việc đầu tư cho sản xuất, nhất là các sản phẩm về nông sản đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao của các quốc gia là một vấn đề khó.
Còn theo bà Tôn Nữ Thục Uyên, Văn phòng TBT, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), TPP đặt ra các yêu cầu về nghĩa vụ minh bạch hóa TBT nên đòi hỏi việc cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu về TBT, cải thiện cơ chế hoạt động của mạng lưới TBT.
Rõ ràng, với những khiếm khuyết như hiện giờ, yêu cầu đặt ra trước mắt cho các doanh nghiệp xuất khẩu là tự cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và cần nắm bắt kịp thời được những quy định mới trong TPP để thích ứng với “cuộc chơi” khốc liệt này.
Thế Vinh