Mới đây, việc đại diện công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) đề xuất san lấp 1 ha hồ Thành Công (Hà Nội) để xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại những chung cư Thành Công cũ, thuộc diện phải cải tạo, đã khiến dư luận “dậy sóng” theo nhiều cung bậc, từ nổi giận, hoang mang tới lo lắng và cuối cùng là đồng loạt lên tiếng phản đối.
Những đề xuất “táo tợn”
Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng ý tưởng san lấp hồ để xây nhà là muốn phá hủy những “buồng phổi” của Thủ đô và mang lại lợi ích cho bản thân DN đề xuất.
Mặc dù đại diện VIHAJICO lý giải phương án này được nhiều hộ dân ở đây (khu vực hồ Thành Công) chấp thuận, song giới chuyên gia đặt vấn đề: Liệu khi chung cư mới xây lên, lợi ích từ chung cư mới có thực sự thuộc về người dân không, hay lại về một nhóm nào đó?
Chính ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, cũng phải nói rằng có những đề xuất mà ngay cả thành phố cũng không dám quyết, cụ thể ở đây là lấp 1 ha hồ Thành Công làm nhà cho dân, dù chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác.
Trước đó, UBND Tp.Hà Nội đã giao cho VIHAJICO nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 toàn Khu tập thể Thành Công với diện tích đất khoảng 23,058 ha và số lượng nhà chung cư cũ là 67 tòa nhà cao 2 – 5 tầng.
Trong thông cáo báo chí ngày 10/4, VIHAJICO cho biết DN đã đề xuất giải pháp điều chỉnh quy hoạch công viên và hồ Thành Công hiện hữu, khoảng 10 ha, theo hướng không làm thay đổi diện tích mặt nước hiện có; dự kiến hoán đổi toàn bộ diện tích khoảng 1 ha đất trong phạm vi công viên và hồ Thành Công để xây dựng nhà tái định cư tại chỗ cho người dân; hoàn lại bằng cách điều chỉnh mở rộng ranh giới hồ vào trong khu dân cư mới, lấy ra được khoảng 1 ha từ quỹ đất của công viên và hồ Thành Công.
Điều này cho thấy rõ ràng việc đưa ra ý tưởng “táo tợn” lấp hồ Thành Công không phải chỉ là đề xuất “nói chơi” của vị đại diện DN này, mà đã bao hàm cả một sự tính toán kỹ. Và, đó chính là điều khiến dư luận lo lắng, bất bình.
Song thật ngẫu nhiên, bởi đề xuất gây nhiều tranh cãi của VIHAJICO được phát ra khi dư luận chỉ mới nguôi ngoai trước quyết định không áp sàn giá vé máy bay của Bộ Giao thông Vận tải.
Một môi trường kinh doanh cởi mở, cạnh tranh công bằng không có nghĩa là mọi đề xuất táo bạo của DN đều được chấp thuận nếu đề xuất đó không vì lợi ích của người dân, bình đẳng giữa các DN và bảo vệ môi trường.
“Bóng ma” nhóm lợi ích
Nhìn lại, thời gian trước cũng đã có những đề xuất chỉ biết cho riêng mình như vậy của các DN, nhất là các siêu dự án, từng tạo nên làn sóng phản đối trong dư luận. Đơn cử, năm 2016, có siêu dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện (gồm 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông Hồng) do công ty TNHH Xuân Thiện, đề xuất, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1,1 tỷ USD.
Siêu dự án này rốt cuộc nằm trên giấy sau khi nhận được ý kiến của nhiều người dân và giới chuyên gia bày tỏ sự quan ngại dự án sẽ “giết chết” sông Hồng, ảnh hưởng cuộc sống của 20 triệu dân.
Trong chuyện đề xuất của DN, “bóng dáng” của lợi ích nhóm vẫn là điều băn khoăn nhất. Mới đây nhất, dư luận đang phanh phui về một chủ DN được ví là “ông trùm” nạo vét cát ở Bắc Ninh có dấu hiệu thao túng, thỏa thuận ngầm với một số quan chức cùng một thông tư được ban hành từ phía một cơ quan bộ được cho là “giúp sức” sau khi chủ DN này đề xuất các dự án khai thác, nạo vét cát.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh”.
Nói về nhóm lợi ích, trong một lần trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Ts. Nguyễn Hữu Nguyên (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM) có nhấn mạnh rằng: “Không khó để nhận diện các nhóm lợi ích tiêu cực, đó là những nhóm người giàu lên nhanh chóng hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Họ có khả năng chi phối, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, của sự yếu kém trong quản lý nhà nước của cán bộ, từ đó có thể tạo ra “siêu lợi nhuận” cho các thành viên trong nhóm lợi ích, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và của nhân dân”.
Thế Vinh