Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá chỉ số B1 (chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) của Việt Nam đã đạt 3,4 điểm trên thang điểm 7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (năm 2018 xếp thứ 96/140 nước).
Nâng chỉ số B1
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), trong năm nay, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP là năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc đối với chỉ số này.
Chỉ số B1 là một trong 10 chỉ số mà Chính phủ đưa ra mục tiêu nâng xếp hạng nhằm góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0 (năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0). Chính phủ đặt ra mục tiêu từ năm 2019 – 2021 nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam lên từ 5-10 bậc.
Bà Phương cho biết chỉ số B1 là một trong các chỉ số góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0.
Năm ngoái, chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.1 trên thang điểm 7, tương ứng với 34.6 trên thang điểm 100, đứng thứ 96/140 nước. Đây được cho là điểm số và thứ hạng thấp so với 140 nước và là quốc gia có điểm số, thứ hạng về chỉ số B1 thấp nhất trong khu vực ASEAN.
Có thể thấy, việc cải thiện chỉ số B1 là điều đáng khích lệ và rất cần tiếp tục tạo đà đẩy mạnh trong thời gian tới từ phía các các bộ ngành nhằm giảm chi phí thủ tục cho doanh nghiệp (DN).
Chẳng hạn như với Luật DN sửa đổi mà Bộ KH&ĐT mới đệ trình lên Quốc hội, đã cân nhắc đến việc giảm chi phí thủ tục hành chính (TTHC) cho DN.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ một số TTHC để đăng ký DN không còn phù hợp, không còn cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường. Đơn cử như: Thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44), thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN (Điều 12)…
Do đó, một trong những mục tiêu của Bộ KH&ĐT trong Luật DN sửa đổi là cần tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại DN trong việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình DN. Hoặc như mục tiêu cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh nhằm góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).
![]() |
Gánh nặng chi phí làm chậm quá trình gia nhập thị trường của DN |
Mạnh tay cắt gọt thủ tục
Cần nhìn nhận một thực tế là dù Việt Nam đã được ghi nhận cải thiện chỉ số B1, nhưng gánh nặng chi phí, “điểm nghẽn” thủ tục đối với DN vẫn còn.
Trong đánh giá về môi trường kinh doanh đối với các DN vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam từ điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát gần đây cho thấy khâu TTHC và chi phí không chính thức là rào cản đối với sự phát triển của các DNVVN.
Trong các khó khăn khi khởi nghiệp, hơn 40% DN được khảo sát cho biết gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật và hành chính (như đăng ký kinh doanh, thuế).
Thậm chí, 56% DN siêu nhỏ, 52% DN nhỏ và 45% DN quy mô vừa cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, con số này ở các DN quy mô lớn là 44%.
Ngoài ra, các DNNVV cũng phản ánh là khó dự đoán khả năng thực thi chính sách hơn. Chỉ 11% DN siêu nhỏ, 12% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa cho biết có thể dự đoán được những thay đổi trong các quy định pháp luật của Trung ương ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Hoặc như vấn đề về giá kinh tế của giấy phép kinh doanh. Giới chuyên gia cho rằng mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng xét riêng về chỉ số gia nhập thị trường thì Việt Nam vẫn có thứ hạng thấp. Điều này cho thấy ở các quốc gia khác, cải cách các thủ tục gia nhập thị trường còn nhanh hơn Việt Nam.
TTHC về gia nhập thị trường của Việt Nam còn nhiều phiền hà là “điểm nghẽn” mà các DN lâu nay than phiền. Đặc biệt là số ngày nhận giấy phép hoạt động, giấy phép xây dựng, giấy phép nhập khẩu… vẫn còn chênh lệch nhiều so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Mặc dù có cải thiện nhưng so với các quốc gia khác, các điều kiện gia nhập thị trường của Việt Nam hiện vẫn còn khó khăn và là rào cản với sự phát triển của DN. Trong khi đó, nếu để ý sẽ thấy ở những ngành nghề mà giấy phép kinh doanh bị bãi bỏ, không chỉ số DN thành lập tăng lên mà còn phát triển nhanh hơn.
Vì vậy, từ việc chỉ số B1 của Việt Nam được WEF ghi nhận có sự cải thiện rất cần phát huy trong thời gian tới, nhất là mạnh tay “cắt gọt thủ tục” nhiều hơn nữa và giảm thời gian cấp phép liên quan đến giấy phép kinh doanh, đặc biệt là khởi sự kinh doanh.
Thế Vinh