Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đây đang là một trong những khó khăn nổi cộm, khiến nhiều doanh nghiệp "mắc kẹt" vì không đáp ứng được các quy định mới về phòng cháy chữa cháy.
Những lĩnh vực nào đang gây phiền hà?
Theo phản ánh của doanh nghiệp, tất cả vướng mắc đều liên quan đến các quy định mới nằm trong quy chuẩn mới là QCVN 06:2022/BXD. Đây là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, do Bộ Xây dựng tham mưu, Bộ Công an phối hợp thực hiện, quản lý và giám sát.
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về thực thi quy định phòng cháy chữa cháy. |
Theo Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), hiện nay rất nhiều doanh nghiệp trong Hội điêu đứng vì các quy định phòng cháy chữa cháy, nhiều trường hợp đầu tư xây dựng nhà xưởng nhưng không hoạt động được vì không thể nào đáp ứng tiêu chí và quy định của phòng cháy chữa cháy. Quy định về phòng cháy chữa cháy quá cứng nhắc, chẳng khác nào thêm một “chốt chặn” đối với sự phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bất cập về thủ tục phòng cháy chữa cháy cũng được nêu ra tại báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2022) vừa được công bố. Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban thường trực, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI cho hay, khảo sát cho thấy, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến song các doanh nghiệp vẫn báo cáo tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt.
Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).
Trong số các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp báo cáo gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 49%, tiếp sau là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%).
Tình trạng phiền hà về thuế, phí không chỉ đến từ những khó khăn về tuân thủ mà còn từ các hoạt động quản lý chuyên ngành khác. Số giờ trung vị mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ, tăng so với kết quả năm 2021 và 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ). Đáng chú ý hơn, 53,8% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, tăng so với mức 47,6% của năm 2021.
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế cũng gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,5% của năm 2022.
Xây dựng chính quyền minh bạch
Bên cạnh đó, báo cáo PCI cũng chỉ ra tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Nhìn chung, phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến. Khoảng 42,9% doanh nghiệp cho biết khó khăn với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất (60,81%).
Những vướng mắc phổ biến khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30,02%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,31%), hoặc không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,15%).
Cùng với đó, 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong điều tra PCI 2022 bao gồm: tiếp cận vốn (55,6%), tìm kiếm khách hàng (55,1%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (34,1%), biến động thị trường (23,8%), và tìm kiếm đối tác kinh doanh (21,4%).
Trong điều kiện bất lợi trên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, vai trò của các chính quyền địa phương sẽ được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định. “Khi mùa Đông ảm đạm đi qua thì mùa Xuân tới thường gắn với “hy vọng”, gắn với niềm tin về sự đổi mới, vươn lên”, ông bày tỏ niềm tin.
Khẳng định: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Chủ tịch VCCI cho rằng, bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thách thức như hiện nay lại chính là lúc chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc gia nhập thị trường và tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, lao động, tín dụng.
“Việc tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm các phiền hà về tuân thủ thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua”, Chủ tịch VCCI kỳ vọng.
Trên vai trò là địa phương giữ vị trí “Quán quân” PCI 2022, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ bản thân có nhiều cảm xúc. “Mỗi cán bộ công chức phải đổi mới sáng tạo, không ngừng. Chỉ có điểm bắt đầu, không có kết thúc, dù có khó khăn nhưng chỉ nhìn phía trước để tiến lên”, ông Ký chia sẻ việc có thứ hạng, nhưng giữ thứ hạng khó khăn hơn, thử thách, gian nan còn phía trước đòi hỏi năng lực quản trị của địa phương ở mức cao hơn.
Theo Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, địa phương sẽ tiếp tục chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, cung cấp dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch… “Thành công hay không tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người, đó là những người cán bộ dám truyền lửa, nói đi đôi với làm, dám làm, dám nghĩ, thu hút lựa chọn đúng người có đức, có tài vào bộ máy quản lý. Thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, ông Ký chỉ rõ.
Nhật Linh