Nhận định chung cho thấy bức tranh toàn cảnh ngành khai khoáng Việt Nam trong năm 2016 vẫn chưa hết u ám, kinh doanh sụt giảm, thuế phí gắt gao. Điều đáng nói là chi phí không chính thức của doanh nghiệp khoáng sản cao hơn 73% so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Chưa khởi sắc
Công bố chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2016 vừa qua của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số ngành khai khoáng giảm sâu ở mức 4,2%.
Còn theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 1/2016 ước 0,24 tỷ USD, giảm đến 40,7% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tỷ trọng 1,7%.
Trong đó, các mặt hàng dầu thô, quặng và khoáng sản khác giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 54,9% và 49,9%, riêng mặt hàng than giảm 10,9% so với cùng kỳ.
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, về giá trị xuất khẩu, so với cùng kỳ năm 2015, trong bối cảnh các mặt hàng đều giảm thì giảm mạnh nhất là mặt hàng quặng và khoáng sản (giảm đến 69,8%).
Đặc biệt, hai mặt hàng trong nhóm nhiên liệu và khoáng sản có lượng xuất khẩu tăng mạnh lại là xăng dầu và quặng khoáng sản (tăng lần lượt là 105,5% và 65,9%).
Riêng ngành than, ngay từ những ngày đầu năm nay đã tổ chức triển khai kế hoạch năm 2016, đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng than tối đa cho nền kinh tế.
Sản lượng than sạch trong tháng 1/2016 ước đạt 3,7 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2015. Còn lượng Alumin ước đạt 36,2 nghìn tấn, giảm 26,9% so với cùng kỳ.
Có trữ lượng than lớn của châu Á, tuy nhiên, sau giai đoạn khai thác và xuất khẩu ồ ạt, các chuyên gia cho rằng ngành than đang đứng trước tình trạng phải nhập khẩu than để đảm bảo an ninh năng lượng.
Cần lưu ý, trong đề án điều chỉnh quy hoạch than 60 (quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020 có xét đến năm 2030), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển ngành than bền vững trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên đáp ứng nhu cầu than trong nước, giảm xuất khẩu than.
Trong khi đó, chỉ tiêu kế hoạch của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trong năm 2016 dự kiến cao hơn so với năm 2015. Cụ thể, dự kiến sản lượng than sạch đạt 35,9 triệu tấn (tăng 6,5%), than tiêu thụ đạt 36 triệu tấn (tăng 2,9%).
Trong năm 2016, các công ty chế biến của Vinacomin tiếp tục mua than chất lượng thấp của tập đoàn để chế biến thành than chất lượng cao.
Việc điều hành tiêu thụ than năm 2016 sẽ linh hoạt từ phương án thấp đến phương án cao, tập trung sản xuất than đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất điện, đặc biệt là các nhà máy miền Trung và miền Nam.
![]() |
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2016, ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn
Khó trong, khó ngoài
Riêng với quặng sắt, theo dự báo giá bán trong năm nay sẽ không cao, sẽ ở mức thấp nhất trong quý I hoặc quý II năm 2016 nên ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất khẩu của các loại quặng sắt ở Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, nên các nhà máy thép Trung Quốc đang phải xử lý khối tích trữ quặng sắt để nhằm tạo ra vài dòng tiền mặt. Và việc bán quặng sắt nhập khẩu tồn kho đang làm cho giá quặng sắt càng giảm thêm.
Điều này khiến các doanh nghiệp khai thác quặng sắt ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi ngành thép trong nước đang phải nỗ lực cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ở một diễn biến khác, theo Tổng cục Hải quan, biểu mức thuế suất thuế tài nguyên năm 2016 có nhiều thay đổi, trong đó rất nhiều nhóm hàng khoáng sản kim loại tăng thuế suất.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, thuế suất đối với nhóm khoáng sản kim loại như sau: Sắt tăng lên 14%; Mangan tăng lên 14%; Titan tăng lên 18%; Vàng tăng lên 17%; Đất hiếm tăng lên 18%; Bạch kim, bạc, thiếc tăng lên 12%; Vonfram, Antimon tăng lên 20%; Chì, Kẽm tăng lên 15%; Đồng tăng lên 15%. Khoáng sản kim loại khác tăng lên 15%.
Đồng thời, Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 quy định mức thuế suất tài nguyên đối với khoáng sản không kim loại và một số tài nguyên khác; dầu thô và khí thiên nhiên, khí than.
Rõ ràng, “tiền đồ” của các doanh nghiệp khai khoáng hiện nay chưa thể sáng sủa trước những khó khăn khách quan lẫn chủ quan đang bủa vây.
Nhưng tựu trung, để đáp ứng những điều kiện, thủ tục khai thác và xuất khẩu khoáng sản gắt gao trong năm nay thì các doanh nghiệp khai khoáng phải xoá ngay cách làm cũ là “đào lên để bán” mà phải hướng đến cách làm mới, công nghệ mới nhằm đẩy mạnh chế biến sâu để gia tăng giá trị xuất khẩu khoáng sản.
Thế Vinh