Báo cáo tài chính quý 1/2024 mới công bố của CTCP Nước giải khát Chương Dương (SCD) tiếp tục cho thấy lợi nhuận âm gần 17 tỷ đồng. Đáng chú ý là các chi phí của công ty này đồng loạt tăng, đơn cử như chi phí tài chính tăng gấp 2,5 lần (lên 9,9 tỷ đồng), chi phí bán hàng cũng tăng gần 65% so với cùng kỳ năm rồi. Ngoài ra, công ty đang tiếp tục phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đường và nhôm ngày càng tăng, chi phí thuê đất cũng cao hơn so với năm trước.
Đừng để khó chồng thêm khó
Việc tăng những loại chi phí như vậy nên SCD khó tránh kéo dài chuỗi thua lỗ trong 13 quý liên tiếp, tính ra đến nay đã lỗ lũy kế hơn 200 tỷ đồng. Thậm chí mức thua lỗ trong quý 1/2024 còn cao hơn 6 lần so với cùng kỳ năm rồi.
Các DN sản xuất đồ uống và thực phẩm phải giải được bài toán “giá bán thấp hơn giá vốn” để tránh tình cảnh thua lỗ. |
Nhìn vào tình hình sa sút của một thương hiệu nội địa có tiếng trong ngành sản xuất nước giải khát như vậy, nhiều ý kiến cho rằng thâm hụt lợi nhuận của DN này sẽ còn kéo dài và khó gượng dậy nổi nếu không có được những chiến lược hiệu quả hơn, nhất là tránh tình trạng kinh doanh dưới giá vốn với nhiều khoản chi phí tăng cao.
Hoặc như trường hợp CTCP Thủy sản Mekong (AAM) trong báo cáo tài chính quý 1/2024 cho thấy đã thua lỗ hơn 2 tỷ đồng. Nguyên do là vì kinh doanh dưới giá vốn nên dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN không biến động nhiều, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn ghi nhận lỗ.
Quý 1 vừa qua công ty này đã ghi nhận mức giá vốn hàng vẫn ở mức cao, gần 38 tỷ đồng. Đáng chú ý DN thủy sản này thường đối mặt tình cảnh giá nguyên liệu biến động liên tục và có nhiều lúc tăng nhanh trong khi giá xuất bán giảm. Điều đó khiến cho lợi nhuận của họ không mấy khả quan.
Trong khi đó, trong báo cáo quý 1/2024 mới công bố của CTCP thực phẩm Hữu Nghị (HNF) cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt trên 20,2 tỷ đồng, cao hơn gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trịnh Trung Hiếu, Chủ tịch HĐQT của HNF, cho biết trong quý 1 vừa qua công ty đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào kinh doanh thương mại tại thị trường trong nước và nước ngoài. Vì vậy doanh thu và sản lượng của quý 1/2024 đã tăng đáng kể. Đây cũng là yếu tố chính góp phần tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN.
Cần nhắc lại, trong báo cáo tài chính bán niên hồi năm rồi của CTCP thực phẩm Hữu Nghị (HNF) cho thấy đã giảm 69% lợi nhuận trong nửa đầu năm trong bối cảnh chịu áp lực giá đường tăng cao làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Từ đó để thấy công ty này đã có những cải thiện tích cực về mặt sản xuất kinh doanh như trong quý 1/2024 để không rơi vào cảnh sa sút như cùng kỳ năm 2023, dù cho chi phí bán hàng tăng 61% hay chi phí quản lý DN tăng 30%.
Nêu ra một vài tên tuổi trong ngành đồ uống và thực phẩm như trên để thấy việc có thể thoát khỏi “vũng lầy” sa sút, thua lỗ hay không đang cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ chính bản thân các DN trong ngành hàng này, nhất là đừng để khó chồng thêm khó. Điều đó không những đến từ việc kéo giảm các loại chi phí, khắc chế những sai lầm trong đầu tư, thoát khỏi tình cảnh kinh doanh dưới giá vốn, mà còn cần cả chiến lược để tăng hiệu quả về đầu ra nhằm hài hoà giữa doanh thu và lợi nhuận.
Như với trường hợp của CTCP Nước giải khát Chương Dương. Thế khó của công ty này trong thời gian qua là đã để tăng nhiều khoản chi phí cố định, tận dụng đòn bẩy tài chính nhưng các khoản đầu tư vẫn chưa cho ra “trái ngọt”, diễn biến thị trường không thuận lợi, nhu cầu nội địa suy giảm, thương hiệu sản phẩm bị mai một…
Phải giải được bài toán “giá bán thấp hơn giá vốn”
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh thị trường đồ uống cạnh tranh ngày càng gay gắt thì dường như người tiêu dùng đã quên đi sự tồn tại của thương hiệu nội địa một thời lừng lẫy này. Thực chất là không cạnh tranh được với các loại thức uống khác khi mà khâu quảng bá chưa tốt. Thậm chí người mua khi vào các siêu thị ở Tp.HCM để tìm sản phẩm sá xị Chương Dương cũng khó thấy, thực ra là ít thấy trên các kênh bán hàng.
Riêng với trường hợp CTCP Thủy sản Mekong, đây là lúc mà họ cần phải giải được bài toán “giá bán thấp hơn giá vốn” nếu không muốn tiếp tục thua lỗ. Còn trong đại hội cổ đông thường niên năm 2024 được tổ chức mới đây, công ty này cũng chỉ dè dặt đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm nay ở mức 1 tỷ đồng.
Theo đó, phương hướng mà công ty chế biến thực phẩm thủy sản này đặt ra là tiếp tục chăn nuôi cá tra và chế biến mặt hàng cá tra fillet xuất khẩu, cũng như tăng cường mặt hàng mới ngoài cá tra để tránh bấp bênh trong tiêu thụ hoặc những chuyển biến xấu của thị trường.
Đồng thời, công ty nêu trên cũng sẽ giữ vững thị trường truyền thống và phát triển mạnh ở thị trường mới nổi như Trung Quốc, Hồng Kông, châu Mỹ và khối Ả Rập. Giới quan sát nhận định phía Thủy sản Mekong đang cố gắng trụ vững và bảo tồn vốn, để sản xuất kinh doanh có lãi thì phải chờ đến năm 2025 trở đi.
Nhìn một cách tổng quan, các DN đồ uống và thực phẩm sẽ vẫn còn đối mặt nhiều thách thức ở phía trước về mặt đầu ra, áp lực chi phí đầu vào. Nhất là các dữ liệu cho thấy nhu cầu trong nước phục hồi yếu hơn dự kiến, người tiêu dùng còn thắt lưng buộc bụng và sự phục hồi chủ yếu là do giá cả trung bình tăng lên, chứ không phải do sự gia tăng của khối lượng hàng hóa tiêu dùng.
Có những thời điểm mà tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty đồ uống và thực phẩm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giá cả hàng hóa tăng ở các mức độ khác nhau. Mặc dù họ cũng đã quyết định tăng giá bán nhưng vẫn chưa đủ để bảo vệ lợi nhuận, thậm chí là phải chấp nhận thua lỗ liên tục từ quý này cho đến quý kia.
Tuy vậy, vẫn có những dự đoán lạc quan về ngành này, như giá trị thị trường ngành hàng đồ uống và thực phẩm ở Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ tăng 10,92%, hướng tới giá trị đạt hơn 655 nghìn tỷ đồng. Cho nên bản thân các DN trong ngành hàng này phải tìm cơ hội trong khó khăn của mình, quan tâm hơn đến các rủi ro để phòng ngừa, linh hoạt các sách lược để thoát nguy.
Thế Vinh