Du lịch có lẽ là ngành tiếp tục chịu tác động mạnh mẽ khi dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại trong cộng đồng. Nếu như những ngày đầu tháng 4, lượng khách đặt tour tăng cao khiến doanh nghiệp (DN) hy vọng hồi phục thì thông tin dịch xuất hiện ngay trước kỳ nghỉ 30/4-1/5 một lần nữa dập tắt niềm tin này.
DN đang rất khó khăn
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc công ty du lịch bàn chân Việt (Vietfoot Travel), chia sẻ đợt dịch bùng phát vào trước Tết Nguyên đán vừa qua đã khiến DN này phải huỷ gần 100% tour du lịch. Sau khi dịch bệnh được khống chế, DN đã chuẩn bị kế hoạch rất kỹ lưỡng cho thị trường dịp 30/4 - 1/5. Song, đến thời điểm này có thể nói mọi công sức gần như "đổ sông đổ bể", khách hàng xin hủy tour vì dịch bệnh - lý do bất khả kháng.
Các DN du lịch tiếp tục gặp khó khăn vì dịch COVID-19 bùng phát trở lại. |
"Chúng tôi là một trong số ít DN du dịch còn phát triển đến thời điểm này là bởi vì khi dịch COVID-19 xuất hiện, DN đã đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, thay đổi sản phẩm, định hướng lại khách hàng", ông Nghĩa cho biết, đồng thời lo lắng, nếu tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng như hiện nay thì không biết DN còn có thể cố gắng thêm được bao lâu.
Đề cập tới gói hỗ trợ, ông Nghĩa cho biết những chính sách mà Chính phủ ban hành rất cần thiết song thực tế thì DN khó tiếp cận. Lý do là Việt Nam với hơn 90% là DN nhỏ và vừa thì chính sách hỗ trợ cần phải cụ thể, đi vào từng DN thay vì để thụ hưởng phải trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục phức tạp.
Thậm chí, thời gian qua đi, DN không quan tâm đến hỗ trợ vì thủ tục rườm rà, DN có muốn cũng đâu được hỗ trợ. "DN đang đuối dần nên cần ngay và luôn gói cứu trợ để khôi phục kinh doanh. Tuy nhiên, trong lúc cần nhất thì gói cứu trợ lại không có nên họ không còn quan tâm đến cũng là điều dễ hiểu", ông Nghĩa chia sẻ.
Theo đó, ông Nghĩa mong muốn, sắp tới Chính phủ ban hành gói hỗ trợ mới thì chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần phải đồng loạt xử lý, hỗ trợ để các chính sách này đến với DN nhanh nhất. Ngành du lịch là ngành tương đối đặc thù, nền kinh tế có phát triển thì du lịch mới "cất cánh", do vậy chính sách kích hoạt nền kinh tế cũng cần cởi mở hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông - Marketing của công ty TST Tourist, cho biết DN này đã quyết định tạm dừng các tour khởi hành trong tháng 5/2021 và căn cứ vào kết quả chống dịch để dần khôi phục các đường tour. Khó khăn của DN vẫn còn đó, nhưng DN hy vọng đợt dịch sẽ qua đi để du lịch hè tiếp tục có cơ hội trở lại từ tháng 6/2021.
"Sức khỏe" của DN cũng thể hiện rõ nét nhất trong báo cáo của Tổng cục Thống kê 4 tháng đầu năm 2021. Theo đó, có 51,5 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Trong khi đó về tiến độ thực hiện gói hỗ trợ, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết trong tháng 2/2021, Bộ KH&ĐT đã có văn bản xây dựng đề cương dự kiến các giải pháp báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, và yêu cầu các Bộ, ngành liên quan như Tài chính, LĐ-TB&XH… có ý kiến cũng như có đề xuất để gửi lại Bộ KH&ĐT.
"Trong quá trình này, sự tích cực cũng như chủ động của các cấp, các ngành đã phát huy hiệu quả tốt trên cơ sở rà soát các giải pháp trong năm 2020, đề xuất những giải pháp mới cũng như kiến nghị mới trong năm 2021. Bộ KH&ĐT đang chờ tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành để có báo cáo chung", ông Phương cho biết.
Gói hỗ trợ phải biết thích ứng
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm là tác động của COVID-19 không phân bố đồng đều giữa các địa phương. Một số vùng miền và ngành nghề đã vượt qua khủng hoảng hiệu quả hơn một số khác. Các ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng hơn là các ngành dịch vụ và trong một số ngành sản xuất như sản xuất ô tô, máy tính, thiết bị điện tử, mức độ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng hơn. Điều này rất quan trọng.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT góp ý, việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khá khó khăn, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các DN chịu ảnh hưởng của dịch như: Miễn giảm tiền thuê đất cho các DN nông nghiệp; Giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện; Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước...
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất. Kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Đáng chú ý, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, COVID-19 chỉ là ví dụ cụ thể cho một bối cảnh kinh doanh bất định, với nhiều yếu tố bất ngờ. Vì thế, buộc các nền kinh tế phải xây dựng các kịch bản ứng phó, triết lý mới hiện nay là không phải đặt vấn đề nền kinh tế trong bối cảnh COVID-19 mà phải đặt vấn đề là trong bối cảnh mới với nhiều yếu tố bất định, thay đổi khác nhau để bàn cách đối phó.
Theo đó, ông Hiếu cho rằng Chính phủ cần giúp DN không phải chỉ phòng COVID-19 mà các nước hiện nay đều thống nhất là cải cách thể chế kinh tế giúp DN năng động, chuyển đổi nhanh để thích ứng. Ví dụ như là sản xuất khẩu trang, nhiều DN chuyển đổi sản xuất từ may trang phục cao cấp sang khẩu trang, đồ phòng hộ rất nhanh. Điều này là minh chứng cho khả năng thích ứng nhanh của DN Việt nếu có sự giúp sức từ phía Nhà nước.
"Phải đặt vấn đề kinh doanh bình thường trong bối cảnh mới, chứ không thể thế giới thay đổi rất nhanh, còn chúng ta thay đổi từ từ được. Hiện nay, người thức thời mới có được những kết quả tốt, chứ không phải chậm trễ, kiên trì với cái cũ mà đạt thành tích được, không thể chờ có chính sách thì mới thay đổi", ông Hiếu nhấn mạnh.
TS. Lê Đăng Doanh Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa biết bao giờ mới có thể khống chế nên có lẽ đây vẫn là cuộc chiến đấu lâu dài. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn cho lộ trình nền kinh tế sẽ hồi phục và phát triển thế nào trong và sau đại dịch. Chúng ta không nên nghĩ rằng hậu COVID-19 thì mới cải cách thể chế để giúp DN phát triển. Mặt khác, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong bối cảnh COVID-19 vì chắc chắn thế giới sẽ không quay lại như trước đại dịch. TS. Lê Quốc Phương Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công Thương (Bộ Công Thương) Các chính sách hỗ trợ phải linh hoạt, thích ứng tình hình thì mới hiệu quả. Trong tình huống đặc biệt, thì các thủ tục, điều kiện để nhận hỗ trợ cũng cần đơn giản hóa để gói cứu trợ đó đến được với người dân, DN kịp thời, đúng đối tượng thì mới có tác dụng. Kinh nghiệm từ Mỹ cho thấy, gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất, theo đó người thất nghiệp được nhận hỗ trợ rất nhanh chóng. Tất nhiên mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng hỗ trợ cần phải nhanh chóng thì mới phát huy hết hiệu quả. Bà Phan Thị Thanh Xuân Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam Tất cả những nội dung hỗ trợ đưa ra ở gói thứ nhất là rất phù hợp, đặc biệt là một số chính sách như giảm tiền thuê đất, miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn thời gian nộp tiền vào quỹ hưu trí và tử tuất… Do đó nếu vẫn được áp dụng ở gói lần 2 thì rất tốt, tuy nhiên điều quan trọng nhất cần rút kinh nghiệm, đó là điều kiện thụ hưởng cần sát với thực tế hơn. |
Lê Thúy