Các DN này cho rằng Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Nghị định chính phủ và Thông tư Bộ Tài chính thiếu thống nhất (vênh nhau) giữa các quy định liên quan đến thuế GTGT đã làm nhiều DN ở An Giang đứng trước nguy cơ phá sản về tội không đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế mà bản thân họ lúng túng trong việc áp dụng.
“Chết đứng” vì chưa đăng ký tài khoản
Công ty CP Hưng Lâm ở Long Xuyên (An Giang) cho biết, trên tờ khai thuế GTGT vào tháng 9/2014 do xuất khẩu gạo nên còn số thuế âm hơn 1,25 tỷ đồng (tức Nhà nước nợ công ty Hưng Lâm) và công ty này nợ Nhà nước thuế thu nhập DN 306 triệu đồng do điều chỉnh thuế thu nhập DN địa bàn ưu đãi.
Sau khi cân đối bù trừ, tháng 7/2015, công ty Hưng Lâm có văn bản đề nghị xin hoàn thuế số tiền hơn 944,3 triệu đồng. Thế nhưng, trong quá trình kiểm tra hoàn thuế, công ty này bị cơ quan thuế loại số thuế GTGT đầu vào không đủ điều kiện được khấu trừ theo quy định tại Điều 14, Điều 15 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Lý do, qua kiểm tra xác định, hơn 1,7 tỷ đồng do tài khoản ngân hàng bên mua và bên bán chưa kịp đăng ký tài khoản ngân hàng cơ quan thuế (mẫu 08).
Ba doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại An Giang điêu đứng vì nợ thuế
Cục Thuế An Giang và Tổng Cục Thuế qua kiểm tra xác định các hóa đơn GTGT đầu vào có giá trị trên 20 triệu đồng đã được công ty Hưng Lâm thanh toán qua ngân hàng đúng quy định nhưng các tài khoản tiền gửi ngân hàng lại chưa đăng ký với cơ quan thuế theo quy định.
Vì vậy, tháng 9/2015, Cục Thuế An Giang ban hành thông báo về việc không được hoàn thuế hơn 1,25 tỷ đồng và ra quyết định truy thu hơn 461,5 triệu đồng; phạt vi phạm hành chính do khai sai hơn 92 triệu đồng và phạt nộp chậm số tiền hơn 77,3 triệu đồng. Tổng cộng số tiền phải nộp là hơn 631 triệu đồng.
Khi công ty Hưng Lâm khiếu nại, Tổng cục Thuế chỉ công nhận hóa đơn đầu vào của công ty Phương Quân (bên cung cấp hàng cho Hưng Lâm) do DN này có đăng ký tài khoản với cơ quan thuế nên cho khấu trừ 38 triệu đồng, công ty Hưng Lâm vẫn phải bị truy thu gần 600 triệu đồng.
Tương tự, DNTN Hiệp Lợi (Chợ Mới, An Giang) vào tháng 5/2014 kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và dùng ủy nhiệm chi để chuyển tiền từ tài khoản của Hiệp Lợi (bên mua) sang tài khoản của DNTN lúa gạo Trương Minh (bên bán) nhưng DN Trương Minh chưa đăng ký số tài khoản với cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo Thông tư 219 của Bộ Tài chính.
Do vậy, Hiệp Lợi đã bị Chi cục Thuế huyện Chợ Mới truy thu thuế GTGT 374 triệu đồng, phạt do khai sai hơn 74 đồng, phạt chậm nộp hơn 108 triệu đồng, tổng số tiền bị truy thu là 558 triệu đồng.
Tệ hơn là trường hợp DNTN Trường Hồng (Chợ Mới, An Giang), do chưa đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế, DN này bị ngành thuế địa phương truy thu và phạt thuế 21,5 tỷ đồng.
Nội dung cơ quan thuế kết luận như sau: DN kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có tổng giá trị thanh toán trên 20 triệu đồng, nhưng thực hiện không đúng quy định về thanh toán không dùng tiền mặt được quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 15 Thông tư: 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài Chính (tài khoản ngân hàng bên bán và bên mua không đăng ký cơ quan thuế theo quy định). Cho nên cơ quan thuế truy thu thuế GTGT hơn 15,9 tỷ đồng, phạt khai sai 20% (hơn 3,1 tỷ đồng), phạt nộp chậm hơn 2,7 tỷ đồng.
Các quy định về thuế có vênh?
Nhìn lại ba vụ việc nêu trên, trong đơn kiến nghị mới đây, đại diện công ty Hưng Lâm cho biết, khi tham chiếu các quy định của pháp luật, các DN nhận thấy sự thiếu nhất quán giữa Luật Thuế GTGT, Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính.
Cụ thể, tại điểm a, b khoản 2 điều 12 Luật Thuế GTGT số 13 ngày 3/6/2008; điểm b khoản 2, điều 9 Nghị định số 209/2013 và Nghị định số 12/2015 của Chính phủ, chỉ có hóa đơn mua vào và chứng từ thanh toán qua ngân hàng trên 20 triệu là được khấu trừ thuế đầu vào chứ luật và Nghị định Chính phủ không quy định bên mua và bên bán phải đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế thì mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Thế nhưng, Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính lại quy định, ngoài việc thanh toán qua ngân hàng trên 20 triệu đồng, tài khoản ngân hàng bên mua và bên bán bắt buộc phải đăng ký với cơ quan thuế thì mới được khấu trừ, hoàn thuế(?)
Điều này khiến DN cho rằng các quy định về thuế xoay quanh trường hợp của ba công ty trên là không thống nhất (vênh nhau) giữa Luật Thuế GTGT tại điểm a, b khoản 2 điều 12 Luật thuế GTGT số 13 ngày 3/06/2008 và điều 9 Nghị định 209/2013 ngày18/12/2013; Nghị định số 12/2015/NĐ-CP. Vậy thì các DN nên thực hiện theo quy định nào là đúng?
Công ty Hưng Lâm cho rằng quy định chồng chéo như trên đã đưa các DN vào tình thế khó khăn, bị phạt, bị cưỡng chế nhưng DN cũng không có tiền nộp thuế cho Nhà nước bởi những quy định bất nhất. Do đó, cần xem xét lại Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính nếu thấy không phù hợp.
Theo giới chuyên gia, về khái niệm khấu trừ thuế GTGT đầu vào và đăng ký tài khoản ngân hàng cơ quan thuế là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thứ nhất, khấu trừ thuế GTGT tức là người mua khi mua hàng đã nộp thuế theo hóa đơn (tức nộp khâu trước, khấu trừ và hoàn thuế khâu sau).
Vấn đề thứ hai, việc đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế là thủ tục hành chính của Nhà nước quy định để nhằm áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế khi cần thiết.
Do đó, DN có đăng ký hoặc không đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế thì Nhà nước cũng không có thất thu thuế và cũng không ảnh hưởng đến thuế GTGT.
Thế Vinh