Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý Tp.HCM (Hascon) cho rằng hiện nay có nhiều DN giải thể, không còn tồn tại thì phía ngành thuế có đánh giá làm rõ tại sao có chuyện này?
Bởi vì thực tế số DN đăng ký mới nhiều hơn số DN đã “chết yểu” nhưng có thể dẫn đến nguy cơ mất thuế vì chưa rõ họ nộp thuế như thế nào. Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 4/2016, cả nước có 76.000 tỷ đồng nợ thuế, tăng 3.123 tỷ đồng (+4,3%) so với cuối năm 2015.
“Khoảng cách” thuế và DN
Và điều ông Thịnh muốn lưu ý là vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa cơ quan quản lý thuế và phía DN nộp thế. Ngành thuế vẫn chưa hiểu hết những khó khăn của DN hiện nay là gì?
Trong khi đó, gần đây đã có một số ý kiến phản ánh lên Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM về việc chính sách thuế đối với DN trong nước còn nhiều bất cập, không công bằng. Các DN nội địa luôn bị thua thiệt khi phải nộp thuế nhập khẩu các linh kiện, nguyên vật liệu sản xuất, còn các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì được ưu tiên miễn thuế…
Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản cho rằng đánh giá trên là không có cơ sở. Thời gian qua, Việt Nam đã sửa đổi hệ thống chính sách thuế để đảm bảo các chính sách này được áp dụng bình đẳng giữa DN trong nước và DN FDI.
Quan sát chuyện này, một chuyên gia kinh tế nói rằng thay vì lăn tăn so bì với khối ngoại, các DN nội (nhất là các DN nhỏ) nên “để mắt” đến chuyện có bình đẳng trong chính sách thuế hay không? Nhất là khi Tổng cục Thuế đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tính tuân thủ pháp luật về thuế của DN nhằm phân loại DN ra ba nhóm đối tượng: Tốt, trung bình và thấp.
Chẳng hạn như chuyện hoàn thuế VAT. Trong buổi tiếp xúc với giới DN Tp.HCM mới đây, bà Từ Thị Thanh Hà, Phó trưởng Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), có cho biết nếu Bộ tiêu chí này được thực thi, nhóm DN được xếp loại tuân thủ Tốt, không nằm trong nhóm rủi ro cao, sẽ được cơ quan thuế hỗ trợ tốt nhất về quản lý thuế, được ưu tiên hoàn thuế trước và có lựa chọn khi thanh kiểm tra thuế.
Việc ưu tiên hoàn thuế này khiến các DN cho rằng thiếu bình đẳng, trong khi thủ tục hoàn thuế với DN ngày một ngặt nghèo. Bởi vì khi DN đáp ứng đủ các điều kiện về hoàn thuế VAT theo Luật Thuế VAT, Luật Quản lý thuế thì cơ quan thuế phải có trách nhiệm hoàn thuế cho họ. Và liệu điều đó có mâu thuẫn hay không khi Tổng cục Thuế phấn đấu trong năm 2016 có ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định?
![]() |
Điều băn khoăn của các DN là cơ quan thuế nếu có phân loại thì liệu có bình đẳng?
Cần bình đẳng
Bà Phan Thụy Tường Vy (Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM), đặt vấn đề là nếu những DN rơi vào nhóm đối tượng tuân thủ thuế Thấp của cơ quan thuế để rồi bị dồn lại phía sau nhằm ưu tiên hoàn thuế cho nhóm DN được xếp loại Tốt thì liệu có bất công?
Nếu như vậy, mục tiêu của việc xây dựng Bộ tiêu chí này để cơ quan thuế hỗ trợ DN tuân thủ thuế tốt hơn liệu có còn ý nghĩa?
Ngay cả tính minh bạch cũng đáng để nói. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc điều hành công ty BeBoss Training, dẫn chứng một trường hợp “nhỏ” khi cho rằng DN của ông hai năm liền nhận giấy khen của ngành thuế nhưng không biết lý do vì sao được khen(?!). Lẽ ra cơ quan thuế phải giải thích rõ chuyện này.
Ông Tuấn cho biết, với trách nhiệm là Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, hàng tháng tiếp xúc thường xuyên với gần 300 chủ DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, nên thấu hiểu hết những thiếu sót của họ khi làm việc với cơ quan thuế, nhất là về mặt hoá đơn chứng từ nên dễ dẫn đến chuyện “đi đêm”.
Theo ông Tuấn, nếu bị phân loại, các DN nhỏ này rất dễ rơi vào nhóm bị đánh giá Thấp. Mà đã bị loại Thấp thì làm sao họ được đối xử bình đẳng về chính sách thuế với các DN lớn khác?
Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các DN dễ có tâm lý lo lắng khi có các quy định mới về thuế, nhất là cách thức áp dụng quản lý rủi ro để xếp loại DN nhằm quản lý thuế hiệu quả.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), mục tiêu quản lý rủi ro là nhằm tạo điều kiện đối xử công bằng đối với người nộp thuế, tối đa hoá hiệu quả sử dụng các nguồn lực của cơ quan thuế.
Thế nhưng, nói như ông Phan Đức Hiếu, điều lo lắng vẫn là trong kinh doanh thì rất đa dạng, từ Bộ tiêu chí về thuế này liệu có tạo ra sự bất bình đẳng giữa DN lớn và DN nhỏ, có đo lường chính xác tính chất hoạt động của DN mình hay không?
Vì vậy, ông Hiếu cho rằng khi phân loại DN về mức độ tuân thủ pháp luật về thuế thì nếu tìm ra những DN chưa tốt thì cơ quan thuế nên hỗ trợ họ tuân thủ tốt hơn chứ không phải triệt tiêu họ.
Thế Vinh