Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020. Theo kết quả này, chi phí tuân thủ TTHC (APCI) tốn kém nhất là lĩnh vực môi trường với trên 63,3 triệu đồng, thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với 25,2 triệu đồng, thứ 3 là lĩnh vực đầu tư với 9,1 triệu đồng, thấp nhất là lĩnh vực thuế với 267 nghìn đồng...
Hải quan bị phàn nàn
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), phàn nàn DN châu Âu tại Việt Nam đang gặp rào cản lớn nhất về hoạt động thương mại trong việc hoàn thiện các thủ tục thông quan hàng hóa.
Doanh nghiệp vẫn phàn phiền vì phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính. |
"Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP... vậy thì cần nhanh chóng giải quyết những rào cản này. Đặc biệt, Việt Nam cần nâng cao năng lực cho cán bộ Hải quan, tạo sự hài lòng tốt nhất cho DN", đại diện EuroCham kiến nghị.
Tại báo cáo APCI 2020, Thuế và Hải quan đều nằm dưới sự điều hành Bộ Tài chính nhưng điểm số lại khác nhau. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt vấn đề: Tại sao hai cơ quan này nằm trong Bộ Tài chính nhưng cơ quan thuế được đánh giá là cải cách rất tốt, còn DN thì vẫn cho rằng cải cách của hải quan chưa thực chất, còn vướng mắc ở khâu phân luồng, kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt là chi phí về thời gian...
Đơn cử ở nhóm thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới, trung bình mỗi DN phải bỏ ra khoảng 7,3 giờ, chi phí trực tiếp là xấp xỉ 3 triệu đồng. Cứ 100 DN thì có đến 51 DN thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đàm Mạnh Hiếu, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan, trần tình điểm số giao dịch qua biên giới năm 2020 so với năm 2019 giảm mạnh. Tuy nhiên, đây là kết quả liên quan tới các Bộ, ngành khác, chứ không chỉ Hải quan mà còn chi phí logistics tăng cao, cơ sở hạ tầng, giao thông, bến bãi chưa phát triển kịp tốc độ gia tăng của lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu...
Thời gian qua, Hải quan nỗ lực cải cách để giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho DN. Trong đó, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu, trừ các mặt hàng liên quan tới an ninh, quốc phòng. Thời gian cho các DN giải quyết các thủ tục liên quan tới kiểm tra chuyên ngành đã giảm tối thiểu 2 ngày/lô hàng.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phục vụ, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng cần sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong ngành.
Hậu kiểm không tốt thì DN lo hơn
Đặc biệt, APCI 2020 cho thấy việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC. Song, khảo sát APCI 2020 qua phỏng vấn sâu tại các địa phương cho thấy DN mong mỏi cần có những quy định, khuôn khổ, phương thức cụ thể, rõ ràng và bảo đảm các tiêu chí giảm chi phí tuân thủ cho DN trong công tác hậu kiểm.
Thời gian qua, phản ánh của DN là có quá nhiều đợt kiểm tra, thanh tra DN dưới nhiều hình thức khác nhau, làm cho DN cảm thấy “bất an” trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
DN mong muốn công tác này thân thiện và có tính khuyến khích và hỗ trợ DN tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng “tìm soát lỗi” của DN để xử phạt. DN cũng mong muốn các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để các DN có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng hậu kiểm giúp giảm việc quản lý chồng chéo. Ví dụ, một chiếc ăng ten nhập khẩu từ nước ngoài vào cảng, khi chưa lắp trên phương tiện nào, thì sẽ xảy ra 2 vấn đề là Bộ TT&TT nói phải kiểm tra ăng ten vì Bộ quản lý thu phát sóng, Bộ GTVT cũng nói đây là trách nhiệm của mình vì lắp trên phương tiện vận tải đường thủy.
Khi chuyển sang hậu kiểm thì ăng ten lắp trên thiết bị, phương tiện nào sẽ rất rõ ràng. Ăng ten lắp trên tàu thuỷ là chức năng quản lý của Bộ GTVT, còn ăng ten lắp trên thiết bị thu phát sóng là chức năng quản lý của Bộ TT&TT...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng lo ngại, hậu kiểm nếu làm không tốt thì DN còn lo hơn tiền kiểm, bất chợt cơ quan chức năng xuống đánh giá nhưng DN không còn những giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa là minh bạch, chất lượng đảm bảo vì hàng đã được đưa ra thị trường. Hậu kiểm mà bắt lỗi DN thì rất khó.
Theo đó, Bộ trưởng Dũng cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho DN tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
"Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các DN nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nhà nước đừng quản lý DN theo tư duy "thanh kiểm tra", hệ thống tòa án phải nâng lên thành công cụ đáng tin cậy giải quyết tranh chấp. Đồng thời, chúng ta cũng đừng hiểu sai lầm về hậu kiểm. Nó không phải cho làm trước thanh tra sau mà người dân, DN phải được tự do làm. Nhà nước nên sắp xếp DN thành nhiều nhóm: đỏ, xanh, vàng; theo đó chỉ tập trung giám sát vào nhóm nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Hoài Nam Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Thời gian qua, nhiều bất cập, vướng mắc của cộng đồng DN về quy định, TTHC chưa phù hợp làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của DN đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, DN thuỷ sản vẫn còn những vướng mắc đã phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết như: Bộ Tài chính cần sớm ban hành văn bản xác định hàng thuỷ sản là hàng chế biến, không phải sơ chế để các DN chế biến thuỷ sản được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN; Bộ KH&CN xem xét sửa đổi và trình Chính phủ sửa đổi, bãi bỏ các quy định về mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì hàng xuất khẩu... Luật sư Nguyễn Hưng Quang Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự Nghiên cứu cho thấy, chi phí không chính thức có ở tất cả các nhóm TTHC, các công đoạn khi thực hiện TTHC và ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các nhóm TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh như các nhóm TTHC về kiểm tra chuyên ngành, giao dịch thương mại qua biên giới, đất đai, xây dựng, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà đang làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các DN nước ngoài muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam và hợp tác với DN Việt Nam. |
Lê Thúy