Ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của CTCP Trung tâm thương mại Lotte Mart Việt Nam, cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, khiến giá xăng dầu leo thang rất nhiều. Việc này làm cho các doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với việc tăng giá trong chi phí vận chuyển.
Kìm hãm tối đa đà tăng giá
Như lưu ý của ông Tuấn, mối quan ngại đối với các DN bán lẻ là việc tăng giá sản phẩm. Nếu giao tranh Nga - Ukraine kéo dài, tác động đến giá nhiên liệu, nguyên vật liệu thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều về mặt giá cả bán ra.
Các siêu thị ở Tp.HCM đang kìm hãm tối đa đà tăng giá để giữ sức mua. |
“Điều đó ảnh hưởng rất nhiều vào giá thành sản phẩm. Chúng tôi đang rất lo lắng và hy vọng Chính phủ và các cơ quan liên quan có hướng hỗ trợ cho DN làm sao để kiềm chế được việc tăng giá”, ông Tuấn nói.
Theo vị giám đốc này, năm 2021 vừa rồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các DN đã khá vất vả với việc tăng giá rất nhiều. Chính vì vậy, với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đã phần nào giúp kiềm chế việc tăng giá. Cho nên, trong chính sách xăng dầu sắp tới hy vọng Chính phủ cũng sớm tìm ra giải pháp hỗ trợ cho các DN kìm giữ được chuyện tăng giá.
Với nhiều nhà bán lẻ hiện đại, điều mà họ trăn trở trước những diễn biến bất ổn như hiện tại là người tiêu dùng sẽ ngày càng tính toán thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp nếu như giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ có thể lập mặt bằng giá mới cao hơn. Trong khi đó, nếu các siêu thị tăng giá bán sẽ khó tránh sụt giảm doanh số cho chính họ và cho các nhà cung cấp.
Cho nên, bài toán hóc búa của các nhà bán lẻ là làm sao phải kiềm giữ không tăng giá, hoặc tăng giá ở mức thấp nhất để giữ sức mua. Nếu không làm được điều này, thiệt hại không chỉ cho các nhà bán lẻ mà còn cho các nhà cung cấp và cả người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, nỗi ám ảnh của các chuỗi siêu thị một khi mặt bằng giá cả tăng lên sẽ càng làm trầm trọng thêm khả năng giữ chân thấp đối với khách hàng đa kênh. Bởi lẽ, cảm xúc tiêu cực của người mua từ chuyện tăng giá bán ở kênh siêu thị khiến cho họ chuyển sang kênh khác, nếu những kênh này có thể loại bỏ cảm giác tiêu cực về giá cả.
Trao đổi thêm với VnBusiness, vị giám đốc thu mua của Lotte Mart cho biết đã nhận được khá nhiều yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp trong thời gian gần đây. Phía siêu thị cân nhắc rất nhiều, cũng đàm phán, thương lượng với các nhà cung cấp.
“Đối với những nhà cung cấp nào có thể kiềm chế được mức độ tăng giá này thì chúng tôi cố gắng một cách tối đa. Dưới vai trò là nhà bán lẻ, tức là mua và phân phối lại sản phẩm cho người tiêu dùng, nên chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng đóng vai trò của mình làm cầu nối và thương thảo để làm sao kiềm hãm chuyện tăng giá này một cách tối đa nhất”, ông Tuấn nhấn mạnh.
“Giải cứu” sức mua thấp với đa kênh
Có thể thấy “mây đen” Covid-19 cùng với những phản ứng dây chuyền từ giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào, cùng mối trăn trở bài toán chi phí đang là nỗi ám ảnh chung của các DN và nhà bán lẻ khi muốn gồng mình giữ giá bán sản phẩm.
Giới chuyên gia cho rằng để “giải cứu” sức mua thấp giữa nỗi lo “bão giá” thì một trong những điều mà các DN và nhà bán lẻ cần làm trong lúc này là nên tiếp tục đẩy mạnh sử dụng đa kênh để phân phối hàng bán lẻ (bán hàng trực tiếp cũng như trực tuyến).
Theo đó, tất cả các nhà bán lẻ đều sẽ tập trung vào hoạt động đa kênh, nơi thương mại điện tử và cửa hàng bán lẻ bổ trợ cho nhau.
Nhất là trong bối cảnh người mua đã tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong 2 năm nay từ tác động của dịch Covid-19 và đây sẽ là xu hướng tương lai ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường. Do đó, các nhà sản xuất và bán lẻ nên tiếp tục sử dụng đa kênh để phân phối hàng bán lẻ giữa áp lực tăng giá.
Bên cạnh đó, báo cáo khảo sát người tiêu dùng kỹ thuật số và thị trường thương mại điện tử năm 2022 được công bố trong tháng 3/2022 của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cũng cho thấy sự đổi mới trong nền tảng, hậu cần và thanh toán tạo ra hệ sinh thái “mua mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi”.
Theo Q&Me, một số công ty thống trị thị trường và sở hữu dữ liệu khổng lồ để tối đa hóa doanh số bán hàng của họ nhiều hơn nữa. Các thương hiệu có khả năng tăng cường sự phụ thuộc của họ vào các nền tảng này và mối quan hệ sẽ thay đổi.
Điển hình là Shopee tăng thị phần, trong khi Lazada, Tiki nối tiếp theo sau. Đối với thương mại điện tử, Thế giới Di động đang tăng cường thay đổi nền tảng trực tuyến.
Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí vận chuyển nhằm hạn chế tăng giá, giới chuyên gia có lời khuyên đối với các nhà bán lẻ là hoạt động thu mua có thể lấy nguồn hàng từ các nhà cung cấp ở gần. Mối quan hệ giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ cần được tăng cường thông qua giao tiếp hiệu quả để nhu cầu “không tăng giá” của người tiêu dùng được đáp ứng một cách thích hợp.
Đối với các nhà bán lẻ, một trọng tâm chính khác là tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và tránh thừa hàng tồn kho, nên đặt mua sản phẩm ở thời điểm gần đến mùa tiêu thụ.
Song song với việc kìm giữ giá bán, đây là thời điểm các nhà sản xuất và bán lẻ gia tăng thiết kế lại chuỗi cung ứng, tìm kiếm các sản phẩm, nguyên vật liệu có giá cả phù hợp nhằm ứng phó tốt hơn trước các tình huống phát sinh trong tương lai.
Thế Vinh