![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn.
Cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA.
Doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, cần nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm cho người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia.
Cần nói không với các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cần phải tiếp tục xây dựng thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng cho doanh nghiệp, kể cả trong nước và nước ngoài, đóng góp xứng đáng và tự hào vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia.
Doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.
Mời cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực về môi trường và văn hóa kinh doanh, các quy định này cũng được xem là một khế ước cam kết hành động có trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành.
Với những thành quả quan trọng về kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới 2020, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới.
Về phía Chính phủ, tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản độc quyền Nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân bao gồm các dịch vụ công cộng.
Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.
Chúng ta cần ý thức rằng để một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta. Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045…
(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2019)
Bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc CTCP MISA Thủ tướng rất quan tâm đến sự phát triển của đất nước chính vì vậy mà đánh giá khối DN tư nhân là trọng yếu để phát triển đất nước. Vừa qua có nhiều nỗ lực từ phía Chính phủ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn thuận lợi minh bạch. Tôi kỳ vọng với xu thế này, môi trường kinh doanh trong thời gian tới có sự thuận lợi. Tuy nhiên, Chính phủ nên có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của DN. Điều đó giúp cho đất nước cũng như DN có thể phát triển được tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Hợp tác xã vận tải Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần phải gỡ những nút thắt, làm cho DN phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Phải tập trung xử lý để các loại hình DN Việt Nam tăng về số lượng, phát triển về chất lượng và bền vững. Như vậy, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương có mệnh lệnh để đồng bộ các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc hỗ trợ DN, tôi kỳ vọng môi trường kinh doanh trong năm 2020 sẽ sáng sủa hơn, khá hơn và đất nước sẽ đổi mới hơn.
Ts. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trong nước, năm nay là cuối nhiệm kỳ, thông thường có những hoạt động sẽ có Đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Hy vọng cùng với việc thảo luận của Đại hội thì tinh thần cải cách vẫn tiếp tục tiếp diễn. Đặc biệt, trong việc cải cách môi trường kinh doanh để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, thì khu vực này vẫn trên đà phát triển và sang năm 2020 sẽ là “đầu tàu” dẫn dắt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công mới sẽ được triển khai và giải quyết được điểm nghẽn về vốn cho DN, cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ở khu vực DN nhà nước. Với những động lực nhưư vậy, sang năm 2020, môi trường kinh doanh vẫn ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cao. |
Hoàng Hà