Ts.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng các DNNN (doanh nghiệp nhà nước) đầu tư kém hiệu quả, liên tục thua lỗ đang là cách trực tiếp làm suy giảm năng lực cạnh tranh, hao mòn nguồn lực và thịnh vượng quốc gia.
Dẫn ra thực tế này, Ts. Cung cho biết hàng loạt DNNN đang ở tình trạng “sống dở chết dở”. Đó là dự án xơ sợi Đình Vũ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng bị “chết lâm sàng”, dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng có vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm nay.
Liên tục “xin” chính sách
Đang trong tình trạng thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng dẫn đến phải ngưng hoạt động nhưng công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vẫn được UBND tỉnh Ninh Bình ưu ái gửi đơn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này.
Bốn năm, đầu tư 12.000 tỷ đồng, nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục làm ăn thua lỗ, trong đó, năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng; năm 2013 lỗ hơn 759 tỷ đồng; năm 2014 lỗ trên 500 tỷ đồng; năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng, tổng cộng lên đến 2.000 tỷ đồng. Nhà máy đang tạm dừng sản xuất hơn một tháng qua. 400 trong tổng số 1.000 công nhân của nhà máy này đã phải tạm thời nghỉ việc, chờ ngày tái sản xuất.
Ngoài việc thua lỗ do giá bán u-rê trên thị trường liên tục giảm, các bộ phận của nhà máy Đạm Ninh Bình cũng thường xuyên hỏng hóc, dẫn đến việc thường xuyên phải tu sửa với nguồn kinh phí lớn. Bên cạnh đó, mỗi lần khởi động lại nhà máy sau thời gian tạm dừng cũng tốn số tiền không hề nhỏ, từ 2 – 5 tỷ đến 10 tỷ đồng nếu thời gian tạm dừng lâu.
![]() |
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ “chết yểu” hơn 4 năm nay. Số vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng “nằm bất động”, mặc cho thời gian, sương gió tàn phá những thiết bị cả nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, trong danh sách này còn phải kể tới những cái tên như Vinashine, Vinalines và còn rất nhiều tình trạng tương tự khác đang diễn ra. Tuy nhiên, điều đáng bàn là việc khi các DN này thua lỗ, làm ăn không thuận lợi, thì lại đệ đơn “kêu cứu” với suy nghĩ cứ kêu đi rồi sẽ được cứu.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc cứ tiếp tục cứu TKV sẽ tạo ra một tiền lệ xấu đối với các DNNN, bởi đây không phải là lần đầu tiên TKV cầu cứu, thậm chí lý do kêu cứu lần nào cũng giống nhau. TKV đã từng xin giảm thuế môi trường, xin giảm thuế với khai thác bauxite.
Cứ kêu đi rồi sẽ được cứu
Về vấn đề này, Ts. Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, Nguyên Vụ trưởng vụ Chính sách và Pháp chế – Tổng cục Địa chất và khoáng sản, nêu quan điểm là việc làm này sẽ tạo ra tiền lệ xấu, nhất là trong xu thế hiện nay, chúng ta đã ký rất nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, nên việc phân biệt giữa các DN nhà nước, các thành phần kinh tế khác là điều tối kỵ, ngoại trừ các DNNN đảm bảo các chính sách chiến lược, còn không thì không nên có ưu đãi riêng.
Theo đánh giá, đa phần các DNNN nếu không được hỗ trợ về thị trường, vốn rẻ, lao động thì cơ bản hoạt động kém hiệu quả hơn so với DN tư nhân. Đặc biệt, những DN hoạt động kinh doanh trong ngành có sự bao cấp của Nhà nước, nếu gặp các cú sốc thị trường thì DN ấy rất dễ thua lỗ.
Khi đó, với thói quen dựa dẫm, các DN lại tìm đủ mọi cách để xin Nhà nước hỗ trợ.
Do vậy mà nhiều DNNN đang “đánh vật” với những khoản thua lỗ nghìn tỷ, các dự án sa lầy và chờ sự trợ giúp của Chính phủ. Viện trưởng CIEM, Ts.Cung, cho rằng hiện tại một nguồn lực rất lớn đang nằm trong khu vực Nhà nước, con số này lên tới 400 tỷ USD, đó là chưa tính đến các nguồn lực như đất đai.
“Thế nhưng đáng tiếc là hiệu quả ở khu vực này rất thấp, xói mòn tiềm lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia. Bao nhiêu dự án đầu tư thua lỗ, mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Tôi nhìn thấy rất nhiều dự án đầu tư đội vốn đến 2-3 lần, đó cũng là một cách làm xói mòn nguồn lực quốc gia, xói mòn sự thịnh vượng của quốc gia. Một nền kinh tế mua đắt bán rẻ, không tính đến hiệu quả”, ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.
Do vậy, theo ông Cung, cần chấm dứt ngay thực tế “sáng ngủ dậy, Nhà nước đã mất hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng” bằng cách chấm dứt hoạt động, cho phá sản các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản.
“Nếu cho phá sản Vinashine và Vinalines và một số DN khác, tình hình bây giờ có thể đã khác”, Ts. Cung nhận xét.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp – Bộ Tài chính ------------------------------- Quan điểm của chúng tôi là lời ăn lỗ chịu. Cổ đông nhà nước ở những DN đó quản lý không tốt thì phải chịu trách nhiệm, chia sẻ rủi ro. Nếu dự án không hiệu quả thì phải chấp nhận thoái vốn, bán cho người khác. Giờ Nhà nước không thể bỏ tiền cứu được. PGs. Ts. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính quốc tế Học viện Tài chính Dứt khoát không cứu DN bằng tiền ngân sách của Nhà nước nữa. Bởi như vậy, sẽ tiếp tục tạo thế ỷ lại cho DN, họ sẽ không phải lo trả nợ lãi vay, vì đã có “mẹ” là Nhà nước lo. Thay đổi nhà quản lý cũng sẽ giúp tinh giản tới mức tối đa bộ máy hoạt động của một DN làm ăn không hiệu quả, bên cạnh đó, còn góp phần tái cơ cấu hoạt động của toàn bộ DN, từ đó giúp DN phát triển ổn định hơn. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Nếu do cú sốc tạm thời, do khó khăn, thiên tai, địch họa, do bất ổn kinh tế thế giới ảnh hưởng đến lĩnh vực ngành nghề… dẫn đến DN rơi vào khó khăn, thì lúc đó mới có cơ sở để Nhà nước xem xét, cân nhắc để cứu. Còn từ trước đến nay, DN đã yếu kém toàn tập, không có hiệu quả, thì không có cơ sở để xem xét giải cứu. |
Lê Thuý