Đây là nhận định của Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nêu ra tại Hội thảo bàn về vai trò của Kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển tại Việt Nam ngày 4/10.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: khoảng cách phát triển tại Việt Nam hiện nay không phải từ ải Năm Căn đến mũi Cà Mau mà là khoảng cách giữa lời nói và hành động. Chúng ta đổi mới chưa thực sự hoàn chỉnh, khu vực kinh tế Nhà nước chiếm chưa đến 1% số lượng DN nhưng lại được hưởng đến 50% nguồn lực, trong đó có những nguồn lực tốt nhất.
![]() |
Xem thực trạng doanh nghiệp chết để thúc đẩy tăng trưởng
Trong thời gian suy giảm kinh tế vừa qua, có DN Nhà nước nào phá sản đâu, nếu họ kinh doanh thua lỗ lại đổ cho cái này cái kia. “Doanh nghiệp Nhà nước nếu có vấn đề, ngay lập tức được cứu bởi bàn tay của Nhà nước. Trong khi đó, hàng vạn DN tư nhân thời gian qua bị phá sản, chúng ta vẫn chỉ đang ngồi bàn xem tìm đâu ra nút thắt để tháo gỡ khó khăn cho khu vực này. Mà nút thắt quan trọng nhất là thể chế kinh tế, bộ máy, con người và đặc biệt là chuyển biến từ tư duy, suy nghĩ đến hành động còn quá khác xa nhau, chưa chuyển biến được”, bà Lan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Ts. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần đánh giá chính xác thực trạng kinh tế tư nhân ở Việt Nam, không nên lạc quan tếu và cũng không nên đưa ra một bức tranh sai sự thật. Phải nhìn ra thể chế của chúng ta đã có nhiều cải cách nhưng vẫn còn nhiều hạn chế: bội chi quá cao, thất thu rất lớn.
Trong khi đó tham nhũng vẫn là vấn nạn. Ông Doanh dẫn điều tra của World Bank cho thấy, 1 DN muốn kiếm 1 đồng lãi thì phải đút lót 1,32 đồng.
Cùng với đó, nhập siêu từ ASEAN càng lớn thì xuất khẩu sang ASEAN lại càng bé, hàng Thái Lan tràn lan, phân bón tràn vào,… Theo ông Doanh, phải đặt kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh, liên kết chuỗi giá trị quốc tế, nếu đặt kinh tế tư nhân tách rời hội nhập thì không có khả năng sống sót.
Lê Thúy