Được biết, việc đổi tên của công ty Cổ phần Thực phẩm Cầu Tre diễn ra tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, khi một công ty con thuộc Tập đoàn CJ đã nắm giữ hơn 71% cổ phần tại doanh nghiệp (DN) này.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Cầu Tre là một DN thực phẩm Việt vốn nổi tiếng bởi các món ăn đã trở thành sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng ở phía Nam như: dimsum hải sản Cầu Tre, chả giò Cầu Tre, bún bò Huế Cầu Tre….
Tiếc cho một thương hiệu
Chỉ trong vòng 5 tháng, CJ đã nhanh chóng thâu tóm phần lớn cổ phần tại DN này (nơi có cổ đông Nhà nước là Tổng công ty thương mại Sài Gòn – Satra từng nắm giữ 45% cổ phần) từ việc tham gia cổ đông chiến lược vào tháng 12/2016, rồi lần lượt mua lại cổ phẩn từ các quỹ đầu tư, trúng đấu giá cổ phần để nâng tỷ lệ nắm giữ số cổ phần Cầu Tre lên 71,6%.
Và sau khi nắm giữ đủ số cổ phần để biểu quyết và đổi tên thành CJ Cầu Tre, mọi đường hướng, chiến lược kinh doanh của DN này trong thời gian tới sẽ do CJ quyết định. Động thái này cho thấy CJ đang thể hiện rõ tham vọng muốn đẩy mạnh việc mở rộng thị phần thực phẩm ở thị trường Việt Nam.
Theo đó, CJ Cầu Tre cũng sẽ mở rộng thêm một số ngành nghề như chế biến và bảo quản rau quả, sản xuất bánh, sản xuất các thức ăn chế biến sẵn, đồng thời tham gia bán buôn thực phẩm.
Trước khi bị thâu tóm bởi CJ, Cầu Tre đã từng gặp khó khăn trong kinh doanh từ năm 2012 – 2013 do vướng trở ngại về thị trường và những lần thất bại khi tung sản phẩm mới.
Xoay quanh câu chuyện này, điều khiến dư luận thấy tiếc cho một thương hiệu thực phẩm nội địa quen thuộc với người tiêu dùng Việt như Cầu Tre chính là việc DN này giờ đây sẽ bị tung hứng dưới bàn tay của một tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc. Suy rộng ra, liệu điều đó có xảy đến với các DN thực phẩm nội khác cũng đang bị khối ngoại nhăm nhe thâu tóm?
Trên thực tế, thời gian qua, mảng thực phẩm ở Việt Nam, nhất là lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), trở thành “miếng bánh béo bở” khi luôn được các tập đoàn nước ngoài ưu tiên M&A nhằm mở rộng thị phần do ngành này đang có mức tăng trưởng tốt.
Theo nhận định của công ty Chứng khoán Đại Nam, lĩnh vực FMCG vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng và dự báo tỷ lệ tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức hai con số nhờ vào tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam đang tăng mạnh cũng như sẽ tăng gấp đôi lên 33 triệu người vào năm 2020 (theo Boston Consulting Group). Điều này dẫn tới nhu cầu tiêu dùng sẽ dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm cao cấp hơn, hứa hẹn cơ hội cho những dòng sản phẩm cao cấp có biên lợi nhuận gộp cao.
Hơn nữa, ngành thực phẩm Việt được cho là phát triển tương thích với xu hướng mới của ngành bán lẻ khi việc mua sắm đang dịch chuyển mạnh mẽ từ kênh truyền thống (chợ, tạp hóa nhỏ) sang những kênh hiện đại hơn (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mua hàng trực tuyến).
![]() |
Mảng thực phẩm ở Việt Nam trở thành “miếng bánh béo bở” khi luôn được các tập đoàn nước ngoài ưu tiên M&A
Tự cứu hay “bán mình”?
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt cũng đang dần quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hơn vấn đề giá cả. Vì vậy, sự tăng trưởng của ngành thực phẩm chỉ thực sự có lợi cho những DN nào có khả năng phát triển các sản phẩm “xanh – sạch”, nhạy bén với xu hướng mua sắm song vẫn quản lý được chi phí. Về mặt này, rõ ràng các DN nội không thể cạnh tranh nổi với các tập đoàn nước ngoài.
Ngoài ra, ngành thực phẩm còn nhiều tiềm năng tiêu dùng lớn từ thị trường nông thôn. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 60 triệu cư dân nông thôn nhưng khu vực này mới chỉ chiếm 20% tổng doanh số bán lẻ cả nước. Trong khi đó, doanh thu mảng bán lẻ tại khu vực nông thôn đang có sự tăng trưởng nhanh. Làn sóng đô thị hóa được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện thu nhập và gia tăng mức tiêu dùng của khối dân cư này.
Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến các DN nội địa đổ xô chuyển hướng về thị trường nông thôn và bỏ trống thị trường thành thị để cho các tập đoàn nước ngoài mặc sức tung hoành.
Và như vậy, trước tiềm năng lớn của ngành thực phẩm nói chung hay FMCG nói riêng, câu hỏi đặt ra là trong khi nhiều tập đoàn nước ngoài đã và đang ồ ạt đổ tiền vào nắm giữ các DN thực phẩm Việt, các DN nội địa sẽ chuyển mình hay “bán mình” như Cầu Tre?
Bởi trên thực tế, trong vài năm gần đây, các thương vụ M&A từ những đại gia ngoại mua cổ phần nội diễn ra với mật độ dày đặc. Song với nhiều thương vụ, nhất là trong ngành thực phẩm, dường như không ít DN nội chấp nhận bán rẻ mình và dễ dàng bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài trong chiến lược mở rộng kinh doanh trên toàn khu vực của họ.
Còn theo nhận định của giới chuyên gia, thực tế các DN thực phẩm nội địa đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính có hạn, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ có tính toàn cầu. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của DN thực phẩm nội, nhất là logistics còn yếu và thiếu, chưa kể các DN nội trong mảng thực phẩm thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt tính liên kết không cao, tầm nhìn hạn chế.
Rõ ràng, nếu không nhận rõ tình hình và không có giải pháp thích hợp, hiệu quả, khả năng khối ngoại chiếm lĩnh thị phần thực phẩm nội là rất lớn. Các DN thực phẩm nội, nhất là các DN nhỏ và vừa, sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm.
Và như vậy, tương lai ngành thực phẩm Việt sẽ đi về đâu nếu các DN nội địa không tìm cách tự cứu mình mà thay vào đó là tuần tự “bán mình”, chuyển nhượng rồi rút lui khỏi thị trường, mặc sức để khối ngoại thôn tính? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời.
Thế Vinh