Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Định hướng tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 6,5-7%, với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25% (Ảnh: Int) |
Về kinh tế, Dự thảo nêu chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm tới khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đến năm 2025 đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 khoảng 45%.
Đáng lưu ý, theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế năm 2019 là 332 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 3.442 USD/người; năm 2020 dự kiến đạt khoảng 340 tỷ USD (7,99 triệu tỷ đồng) và GDP bình quân đầu người khoảng 3.490 USD.
“Các chỉ tiêu kinh tế tính toán cho Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 căn cứ vào số liệu đã được đánh giá lại”, Dự thảo nêu trong phần chú thích.
Về xã hội, Dự thảo định hướng một số chỉ tiêu 5 năm tới: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 67 năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025 khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 75%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Về các cân đối lớn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII định hướng trong Dự thảo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng tổng tích luỹ tài sản chiếm khoảng 27 - 28% GDP và duy trì tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng không thấp hơn 73 - 74% GDP.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm tới bằng khoảng 32 - 34% GDP. Tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 đạt 15 - 16% GDP.
Đáng chú ý, một số cân đối lớn khác được xác định: nợ công giảm dần, đến năm 2025 khoảng 47,5% GDP, nợ Chính phủ đến năm 2025 khoảng 43,8% GDP; bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP.
Đ.N