Trong khi cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được giải pháp nhằm làm minh bạch trong kinh doanh xăng dầu thì mới đây, liên Bộ Tài chính – Công thương đã thừa nhận có chuyện chênh lệch thuế nhập khẩu ưu đãi xăng dầu.
Hiện nay, cách tính thuế suất áp dụng để tính giá cơ sở xăng dầu đang được áp dụng theo Thông tư 78 dành cho xăng là 20%, dầu diesel và mazut là 10% và dầu hỏa là 13%. Thế nhưng, Thông tư 165 của Bộ Tài chính quy định, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN chỉ còn chịu mức thuế suất là 5%, còn thuế suất nhập khẩu với dầu mazut là 0% có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
“Mở cửa” cơ chế…
Để hưởng lợi từ những ưu đãi của Thông tư 165, một năm qua, hầu hết các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều tận dụng được mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2015, trong tổng cộng hơn 10 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam, quá nửa được nhập từ ASEAN: từ Singapore là 3,84 triệu tấn, từ Thái Lan là 2,28 triệu tấn.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB) thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, dựa trên mức thuế MFN. Có thể hiểu, mức hoàn thuế này là cho các mặt hàng dầu với_chênh lệch thuế trong ASEAN là 5%, nhưng trong MFN là 10-15%.
Từ số liệu trên có thể thấy ít nhất hơn 3.500 tỷ đồng chênh lệch thuế xăng dầu chui vào túi các DN xăng dầu._
Theo các chuyên gia kinh tế, số tiền lãi trên chưa dừng lại, bởi đây mới chỉ là số thuế hoàn theo chứng từ DN nộp bổ sung C/O mẫu D (áp dụng cho các lô hàng nhập từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi ATIGA) tại thời điểm hiện nay.
“Rất có thể, thời gian tới, DN xăng dầu đã nộp thuế nhập khẩu MFN có thể tiếp tục nộp bổ sung hồ sơ C/O nên sẽ được hoàn trong các tháng tiếp theo”- Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết.
Không có gì ngạc nhiên khi năm vừa qua, trong báo cáo tài chính, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã công khai con số lãi khủng. Điều này hoàn toàn trái ngược với những năm trước chỉ có lỗ.
Kết quả kinh doanh năm 2015 của Petrolimex ghi nhận mức lãi sau thuế 3.138,5 tỷ đồng – đảo ngược hoàn toàn so với kết quả lỗ hơn 9 tỷ đồng của năm 2014. Riêng công ty mẹ Petrolimex ghi nhận lãi 2.142 tỷ đồng, gấp 37 lần con số lãi 58,5 tỷ đồng của năm 2014.
Bộ Tài chính vừa đưa ra phương án tính lại giá xăng cơ sở. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất khi xác định giá cơ sở điều hành xăng dầu, thuế suất nhập khẩu của quý này được tính là bình quân gia quyền của các mức thuế tối huệ quốc (MFN) và biểu thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA, theo thực tế hàng hoá)._ Cùng với đó, ngày 18/3, Bộ Tài chính cũng ra thông báo giảm thuế nhập khẩu với dầu về 7%. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng vẫn được giữ nguyên ở mức 20%.
Đồng tình với phương án xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở mới, ông Long cho rằng cơ quan quản lý cần thời gian để triển khai cách thức mới này. Việc điều chỉnh các thông tin về thuế nhập khẩu là nguyên nhân chính khiến cho cơ quan điều hành phải xây dựng lại giá cơ sở.
Chính vì thế, theo chu kỳ điều hành giá xăng của liên Bộ Tài chính – Công Thương, ngày 19/3 sẽ là thời điểm điều chỉnh giá nhiên liệu trong nước tiếp theo. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh biểu thuế nhập khẩu, lịch điều hành giá xăng cũng được dời lại đến ngày 21/3 mới có điều chỉnh giá xăng dầu, mức tăng áp dụng đối với xăng là 670 đồng/lít, dầu diesel tăng thêm 290 đồng/lít, dầu hỏa, mazut giữ nguyên.
![]() |
Một năm qua, hầu hết các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều tận dụng được mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN.
Vận hành theo kiểu phi thị trường
Đã có nhiều bức xúc xung quanh cách điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý. “Việc điều hành giá xăng dầu từ trước đến nay luôn khiến người tiêu dùng chịu thiệt, đã đến lúc cơ quan chức năng phải trả lại sự minh bạch cho thị trường này”- Đại diện công ty CP Vận tải Tuấn Hiển cho hay.
“Chỉ có ở Việt Nam mới có kiểu Nhà nước điều hành giá xăng dầu khiến cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể chủ động tăng – giảm giá khi giá dầu trên thế giới có biến động mà phải đợi đến chu kỳ 15 ngày” , Ông Nguyễn Trường Thành – Giám đốc công ty TNHH kinh doanh xăng dầu – bức xúc.
Không phải đợi đến khi những lỗ hổng trong cách tính thuế xăng dầu bị phát hiện mà dư luận mới quan tâm đến việc quản lý xăng dầu theo cơ chế thị trường. Trong rất nhiều cuộc họp, thậm chí tại cuộc họp Quốc hội khoá XIII, nhiều đại biểu đã đề xuất nên để thị trường điều tiết giá xăng dầu, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Điều này sẽ khó thực hiện được khi vẫn còn sự độc quyền của “ông lớn” Petrolimex, chiếm 48% thị phần, và trong khi chưa có thị trường cạnh tranh thực sự thì buộc Nhà nước phải định giá.
Thực tế, cơ quan quản lý cũng đã nhiều lần đưa ra những quyết sách quan trọng nhằm vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường như ban hành Quyết định số 187 (ngày 15/9/2003) về Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu, cho phép DN được điều chỉnh giá bán trong phạm vi 5% đối với dầu, 10% đối với xăng – trong khung giá định hướng do Nhà nước xác định; Nghị định số 55 (ngày 06/4/2007) thay thế QĐ 187, bước đầu đưa mặt hàng xăng theo giá thị trường; Quyết định 79 (16/9/2008) về cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu theo cơ chế giá thị trường. Tuy nhiên, cả ba văn bản này dần bị chìm vào quên lãng.
Để từng bước tiến tới cơ chế quản lý xăng dầu theo cơ chế thị trường, trước hết, chúng ta phải mạnh dạn thực hiện những cơ chế chính sách đã ban hành. Tiếp theo đó, Nhà nước phải xây dựng lộ trình thị trường hóa mặt hàng xăng, dầu theo hướng dài hơi.
Thanh Hoa
Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế Không có mặt bằng chung về thuế suất – một điều hiển nhiên trong hội nhập. Do đó, không có cách nào khác là phải tính bình quân gia quyền theo trọng số nhập khẩu với từng nước như vậy. Cách tính này đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp. Hơn nữa sẽ thu hẹp tối đa khoảng cách chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế của các doanh nghiệp ở các thị trường với mức thuế làm căn cứ xác định giá bán lẻ xăng dầu. Bà Nguyễn Thị Hiền - Chuyên gia Tài chính Đã đến lúc cần phải cởi bỏ cơ chế độc quyền kinh doanh xăng dầu. Để làm được điều này, trước hết, Nhà nước phải nhất quán điều hành giá theo cơ chế thị trường và chỉ can thiệp chủ yếu bằng môi trường pháp lý. Thứ hai, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được quyền quy định giá bán trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp tính giá, cơ chế kiểm soát giá và các biện pháp bình ổn giá do nhà nước quy định…; Thứ ba, Nhà nước hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá thị trường thế giới tăng làm cho giá vốn trong nước tăng đột biến. Ông Nguyễn Đình Cung - Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Đầu tiên, Nhà nước nên xác định rõ mục tiêu quản lý xăng dầu là gì và nên hướng vào mục tiêu đó. Khi đã xác định được mục tiêu rõ ràng, các biện pháp tiếp theo có lẽ cũng thống nhất với nhau là hướng theo thị trường nhiều hơn. Nên giao tự chủ cho các doanh nghiệp nhiều hơn, tự chủ không những về nguồn cung mà tự chủ trong cả việc hoạch định chính sách kinh doanh của họ, tự chủ trong việc định giá kinh doanh của họ theo cơ chế giá thị trường và tuân thủ mục tiêu quản lý của Nhà nước. |