Kết quả kinh doanh tháng 7/2024 mới công bố của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) cho thấy, mức tăng trưởng đáng chú ý từ chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) với doanh thu tiếp tục tăng trong tháng 7/2024 thêm 28%, lên hơn 3,6 nghìn tỷ đồng.
“Cuộc đua” gia tăng thị phần
Theo nhận định mới đưa ra từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI, lợi nhuận của BHX cải thiện sẽ là động lực tăng trưởng chính cho MWG trong năm 2026. Và theo ước tính, doanh thu của BHX lần lượt là 40 nghìn tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ) và 45 nghìn tỷ đồng (tăng 13%) trong năm 2024-2025, tương ứng với doanh thu/tháng/cửa hàng đạt 1,95-2,1 tỷ đồng trong giai đoạn 2024- 2025.
Ý thức tiêu dùng mới về các sản phẩm xanh và sạch được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng dài hạn cho các “ông lớn” bán lẻ bách hóa. |
Với mảng bán lẻ bách hóa của MWG, phía SSI cho rằng doanh thu/tháng/cửa hàng của BHX tiếp tục tăng trong trong thời gian qua nhờ cơ cấu sản phẩm tốt hơn (nhiều rau hơn ở các cửa hàng khu vực Tp.HCM, nhiều trái cây nhập khẩu hơn ở các cửa hàng nông thôn, nhiều thịt/hải sản có thương hiệu hơn). Các cửa hàng này cung cấp cho khách hàng đa dạng các sản phẩm hơn so với đối thủ là Winmart, nhờ đó thu hút khách hàng mới từ chợ truyền thống hiệu quả hơn.
Và để đảm bảo tăng trưởng dài hạn, với mức độ thâm nhập thấp hiện nay của các cửa hàng bách hóa hiện đại (dưới 14%), MWG dự kiến số lượng cửa hàng bách hóa (khoảng 1.700 cửa hàng tính đến cuối quý 2/2024) sẽ vượt số lượng cửa hàng điện thoại điện máy (khoảng 3.200 cửa hàng) trong trung hạn.
Không chỉ BHX, trong “cuộc đua” gia tăng thị phần, các “ông lớn” nội địa khác trong mảng bán lẻ bách hóa như WinCommerce, Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)…cũng đang có những bước đi để đảm bảo có được tăng trưởng tốt trong dài hạn.
Như với WinCommerce đang trên đà thực hiện mục tiêu đạt 4.000 điểm bán vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, hệ thống WinMart/WinMart+/WiN cũng đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược giá tốt, chủ động hợp tác với các nhà cung cấp uy tín để đảm bảo chiến lược cạnh tranh về giá.
Hay với Satra, trong những tháng cuối năm 2024 sẽ tập trung tái cơ cấu, phát triển mạng lưới bán lẻ, tối ưu hóa danh mục hàng hóa, cải tạo không gian trưng bày, điều chỉnh chính sách giá phù hợp với sức mua của thị trường.
Còn với Saigon Co.op, theo tổng giám đốc Nguyễn Anh Đức, thời gian tới sẽ tập trung một cách chọn lọc, không dàn trải, lắng nghe khách hàng, lựa chọn lối đi phù hợp với thế mạnh, tạo đà tăng trưởng lâu dài thông qua đầu tư vào chuyển đổi số song song với thay đổi mô hình đầu tư.
Giới quan sát lưu ý với các “ông lớn” trong mảng bán lẻ bách hóa nói chung, để cạnh tranh với chợ truyền thống, đòi hỏi họ cần tiếp tục mở rộng đối với mặt hàng tươi sống. Mặt khác, khi thu nhập đang ngày càng cao dẫn đến người dân đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe và nguồn gốc thực phẩm nên dư địa còn rất lớn cho những chuỗi có thể đảm bảo về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Vì thế, đây sẽ là cơ hội lớn cho những chuỗi bán lẻ bách hóa có thể đảm bảo được chất lượng và gây dựng được uy tín.
Cũng nên tham khảo thêm trong báo cáo cập nhật ngành bán lẻ vào tháng 8/2024 của Công ty chứng khoán VPBank (VPBS) có cho rằng ý thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm đã tăng đáng kể, thúc đẩy ngành bán lẻ hàng bách hóa. Hơn nữa, người tiêu dùng dần tập trung nhiều hơn vào sức khỏe thay vì giá rẻ. Cho nên các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị mini và mua sắm trực tuyến (online) dự kiến sẽ gia tăng thị phần, trong các kênh truyền thống như chợ và tạp hóa sẽ suy giảm.
Động lực từ ý thức tiêu dùng mới
“Chúng tôi đánh giá có sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng khi các kênh bán lẻ truyền thống như tạp hóa và chợ truyền thống đánh mất thị phần, thay vào đó là các kênh hiện đại như siêu thị và mua sắm online. Chúng tôi đánh giá đây sẽ là xu hướng dài hạn khi người tiêu dùng bắt đầu nâng cao các yêu cầu về sức khỏe trong sản phẩm đi kèm với tiện lợi trong mua sắm”, Bộ phận phân tích thuộc VPBS nhận định.
Thực tế cho thấy sự thay đổi của người dân trong ý thức tiêu dùng mới đang mang đến nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho mảng bán lẻ bách hóa. Như báo cáo hồi quý 2/2024 của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, ý thức về an toàn thực phẩm của người dân đã gia tăng đáng kể trong khi sự quan tâm dành cho giá thực phẩm ổn định qua thời gian. Đây được đánh giá là động lực chính để giúp thúc đẩy mảng bán lẻ bách hóa khi người tiêu dùng dần tập trung nhiều hơn và sức khỏe thay vì giá rẻ.
Như tại Tp.HCM, theo báo cáo của một số đơn vị đo lường, có đến 72% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, an toàn. Điều đó cho thấy nhận thức, sự quan tâm của người dân về xu hướng tiêu dùng này và là cơ hội cho các nhà bán lẻ bách hóa.
Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại Nielseniq, cho rằng với giai đoạn hiện nay việc tiếp cận sản phẩm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, vấn đề giá cả cũng ảnh hưởng đến sự chọn lựa của người mua.
Chính vì vậy, các “ông lớn” trong mảng bán lẻ bách hóa rất cần nghiên cứu và tìm hiểu kỹ hơn về người tiêu dùng để có được chiến lược chính xác và phù hợp nhất. “Thực ra, tổng chi tiêu của người mua có thể giảm, nhưng việc như thế nào cho phù hợp với gia đình và mục tiêu sử dụng sản phẩm vẫn là vấn đề quan trọng”, bà Dung chia sẻ.
Để mảng bán lẻ bách hóa có được tăng trưởng dài hạn, giới chuyên gia lưu ý cuộc chạy đua này không hẳn chỉ là mở bao nhiêu cửa hàng theo cách truyền thống nữa mà còn là cuộc chạy đua về mô hình và cách tiếp cận sáng tạo để luôn giữ được kết nối phù hợp trong sự chuyển động chóng mặt của những hình thức kết nối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, có thể thấy mảng bán lẻ bách hóa thuộc số ít các ngành có thể duy trì đà tăng trưởng dài hạn bởi chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Những yếu tố thuận lợi của mảng này rất cần sự chủ động phát huy từ các doanh nghiệp nội địa để thu được hiệu quả tăng trưởng tốt nhất.
Điều đó cũng cần các “ông lớn” mảng bán lẻ bách hóa nên có những mô hình cửa hàng tối ưu đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng. Họ cũng nên có chiến lược giá tốt đồng hành cùng người tiêu dùng và DN địa phương. Hơn nữa, việc số hóa nhằm tăng trải nghiệm, thuận tiện cho người tiêu dùng cũng là một trong những trọng tâm mà các nhà bán lẻ bách hóa trong nước cần tiếp tục làm trong thời gian tới.
Thế Vinh