Nói về những khúc mắc trong hơn 10 năm hoạt động đầu tư, sản xuất tại Việt Nam, ông Kenji Usuda, Tổng giám đốc Công ty Kyouwa (100% vốn Nhật Bản), cho biết thực tế là công ty gặp khá nhiều vấn đề. Trong đó, cần lưu ý vấn đề trước tiên là thông tin.
Còn những khúc mắc
Theo ông Usuda, phía công ty không thể tiếp cận được những thông tin mang tính chính thống và rõ ràng để phục vụ cho quá trình đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Đây là vướng mắc mà công ty thường xuyên gặp phải.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam, tuy vậy vẫn còn một số khúc mắc mà họ cần được giải toả. |
Tiếp theo là vấn đề về nguồn nhân lực. Như chia sẻ của vị Tổng giám đốc này, đối với các nhà đầu tư Nhật khi đến Việt Nam liệu có thành công hay không là nằm ở việc phát triển đội ngũ nhân sự cốt lõi và mạnh mẽ ngay tại Việt Nam, do chính người Việt triển khai, chứ không phải là mang bao nhiêu người Nhật sang thực hiện.
“Điều quan trọng là cần làm sao để cho các nhân sự Việt Nam nắm bắt và làm việc, có một phần nào đó sử dụng được các thế mạnh của doanh nghiệp (DN) Nhật. Việc phát triển được đội ngũ như vậy sẽ là chìa khoá giúp chúng tôi phát triển trong thời gian qua”, ông Usuda nói.
Khi đề cập vấn đề về này, điều mà vị Tổng giám đốc của Công ty Kyouwa mong muốn là giới đầu tư Nhật nên sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam một cách tốt nhất và chú trọng đào tạo trong thời gian đầu.
Thực tế cho thấy việc thiếu lực lượng lao động hoặc khó tuyển dụng nhân lực hiện không còn là mối băn khoăn quá lớn của giới đầu tư Nhật tại Việt Nam. Tuy vậy, điều mà họ lo ngại là việc gia tăng chi phí nhân công. Điều này cũng thể hiện rõ trong kết quả một cuộc khảo sát thực trạng các DN Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố hồi đầu năm nay, với 60,2% DN cho rằng rủi ro là chi phí nhân công tăng vọt.
Thực ra, xét về việc tăng chi phí nhân công, giới chuyên gia cho rằng hoàn toàn có thể thông cảm với các nhà đầu tư Nhật về nỗi lo này. Thế nhưng, khi quyết định đầu tư vào Việt Nam thì các DN Nhật đã không còn xem chi phí lao động giá rẻ là yếu tố chính yếu nữa. Bởi lẽ, nếu chọn lao động giá rẻ thì họ đã dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, chứ không hẳn phải chọn Việt Nam.
Còn ở góc độ của một chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) đang thu hút nhiều DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đến đặt nhà máy sản xuất, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc phát triển DN thuộc CTCP Long Hậu - chủ đầu tư KCN Long Hậu (chuyên thực hiện mô hình KCN dịch vụ dành cho các nhà đầu tư vừa và nhỏ ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), cho biết đối với các DN Nhật thì tiêu chuẩn về dịch vụ đòi hỏi cao hơn so với nhiều nhà đầu tư khác.
Mất thời gian chờ thẩm định
Trao đổi với VnBusiness, ông Hiếu nói rằng phía KCN Long Hậu (nơi mà các nhà đầu tư Nhật đang chiếm 30% trong tổng số các nhà đầu tư) phải thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ hàng tháng với các nhà đầu tư để lắng nghe các đề xuất của họ. Từ đó, ban quản lý KCN có cơ hội để cải thiện dịch vụ của mình từng bước nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư Nhật.
Theo ông Hiếu, để có thể triển khai đầu tư ban đầu thì các nhà đầu tư Nhật nhận được sự hỗ trợ từ ban quản lý KCN xoay quanh nhu cầu đầu tư, thủ tục ra sao.
Mặc dù vậy, đồng tình với ý kiến của ông Kenji Usuda liên quan đến việc tiếp cận các thông tin, ông Hiếu cho rằng việc tìm kiếm những thông tin như vậy là khó khăn chung của nhiều nhà đầu tư. Nhất là không có một cơ quan chính thống để mà trả lời cho họ biết rõ ràng trước khi ra quyết định đầu tư.
Điều đáng lưu tâm là trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy xét về đối tác đầu tư thì Nhật Bản đang xếp ở vị trí thứ 5, đứng sau Singapore, Hàn Quốc, Đan Mạch và Trung Quốc. Còn nếu tính luỹ kế đến 20/5/2022, xét theo đối tác đầu tư thì Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3, xếp sau Hàn Quốc và Singapore. Trong khi đó, hồi năm rồi, Nhật Bản đứng ở Top 2 đầu tư vào Việt Nam.
Như lưu ý của vị giám đốc phát triển DN thuộc CTCP Long Hậu, thủ tục mở nhà máy của các nhà đầu tư Nhật Bản trong KCN là tương đối thuận lợi, không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định về dây chuyền công nghệ và môi trường vẫn còn mất thời gian để trao đổi, để làm rõ các yếu tố.
“Chẳng hạn như cùng một sản phẩm sản xuất nhưng sử dụng công nghệ như thế nào, công nghệ đó có tác động đến môi trường hay không. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm. Để các nhà đầu tư Nhật Bản giải thích vấn đề này cũng tương đối mất nhiều thời gian”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, các DN Nhật vẫn còn than phiền là việc ban hành các văn bản công bố chi tiết còn chậm, luật thay đổi thường xuyên, có nhiều nội dung không rõ ràng. Nhất là còn nảy sinh sự khác biệt trong cách giải thích luật và quy định giữa các địa phương, giữa người phụ trách…
Thế Vinh