Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% so với cùng kỳ (từ mức 3,7% trong nửa đầu năm) trong nửa cuối năm nay. Để sự phục hồi này đến nhanh hơn đang rất cần vai trò nổi bật của liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh các địa phương. Trong bối cảnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng sẽ giúp tạo thêm động lực cho phát triển vùng cũng như kinh tế ở từng địa phương.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động liên kết vùng trong thời gian qua đã có những tác động tốt trên một số khía cạnh, đó là: (i) Khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; (ii) Góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng; (iii) Tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước; (iv) Giải quyết hài hòa hơn các mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội…
Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Các mô hình liên kết đã tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế.
Đứng ở góc nhìn của kinh tế tập thể, với quy mô tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 HTX, 133 Liên hiệp HTX, và 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 THT nông nghiệp, thì việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.
Tuy nhiên, liên kết vùng dù là vấn đề đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu các hợp tác đa phương.
Dù có nhiều cải thiện, chất lượng và phạm vi hoạt động liên kết vùng còn chưa tương xứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển. Nhằm phản ánh một cách rõ nét tình hình liên kết vùng trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế địa phương nói riêng, Tạp chí Kinh Doanh tổ chức Diễn đàn “Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương”.
Một loạt những vấn đề và câu hỏi đặt ra sẽ được các diễn giả uy tín giải đáp tại Diễn đàn này. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế các địa phương nói riêng. Qua đó góp phần tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế ở các địa phương trong thời gian tới.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS); Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
L.B